Cột sống là trụ cột của cơ thể, là chỗ dựa vững chắc cho các hệ thống cơ quan phát triển. Nhờ có cột sống mà cơ thể có thể vận động linh hoạt, quay sang trái, sang phải, cúi hoặc ưỡn, nhún nhảy một cách dễ dàng, tạo cho cơ thể có nhiều tư thế khác nhau. Gù vẹo cột sống ở tuổi học sinh có thể phát sinh do sự sai lệch tư thế như ngồi học không đúng tư thế, không ngay ngắn, ngồi học với bàn ghế không phù hợp với tuổi của học sinh, mang cặp sách quá nặng và đeo về một bên tay hoặc vai, ánh sáng kém nên học sinh phải cúi đầu khi đọc hoặc viết.
Trong trường hợp bị vẹo cột sống, nếu nhìn bé từ phía sau, có thể nhìn thấy những bất thường như: vai một bên cao một bên thấp, xương bả vai nhô ra, bên cao bên thấp, hai mào chậu không cân đối, bên thấp bên cao.
Để phòng, chống gù vẹo cột sống, cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đảm bảo đúng tư thế ngồi học. Khi ngồi, hai bàn chân được đặt ngay ngắn, vững chắc trên sàn, giữa cẳng chân và đùi tạo thành một góc 90 độ; thân mình thẳng, đầu và cổ hơi ngả về phía trước, hai tay để ngay ngắn trên mặt bàn. Nơi học tập ở trường phải đảm bảo chiếu sáng đầy đủ và có sự kết hợp hài hòa giữa ánh sáng tự nhiên và ánh đèn điện. Chỗ ngồi học ở nhà cũng phải được bố trí sao cho ánh sáng được đầy đủ. Học sinh không mang cặp quá nặng, trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể. Cặp phải có 2 quai, khi sử dụng học sinh đeo đều hai vai, tránh đeo lệch về một phía.
Điều trị cong vẹo cột sống là một quá trình phức tạp, cần có sự kết hợp giữa việc điều trị và việc luyện tập hàng ngày để nắn chỉnh tư thế đúng. Tình trạng cong vẹo cột sống có thể được cải thiện nếu được can thiệp sớm và kiên trì theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng.