“Chẵn, lẻ” và bản lĩnh quản lý

Thời gian gần đây nhiều phương tiện thông tin đại chúng xôn xao việc xe chẵn được đi ngày chẵn và xe lẻ được đi ngày lẻ mà ngành chức năng TPHCM vừa đề xuất như một trong những giải pháp trước mắt có thể áp dụng để hạn chế xe cá nhân, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường.

Thời gian gần đây nhiều phương tiện thông tin đại chúng xôn xao việc xe chẵn được đi ngày chẵn và xe lẻ được đi ngày lẻ mà ngành chức năng TPHCM vừa đề xuất như một trong những giải pháp trước mắt có thể áp dụng để hạn chế xe cá nhân, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường.

Người viết bài này đã từng thấy bài viết trên một tờ báo mạng phân tích rằng, hiện nay TPHCM có khoảng 447.000 ô tô và 4,5 triệu xe gắn máy 2 bánh, chưa kể các xe đến từ tỉnh khác. Như vậy, có khoảng 2 triệu người đi làm bằng phương tiện này. Nếu áp dụng thuật toán “chẵn, lẻ” thì hàng ngày có khoảng 1 triệu người nghỉ làm luân phiên ở nhà. Mạng giao thông công cộng, kể cả xe tư nhân, đã được dự đoán và thiết kế tối ưu, vừa đủ cho số khách hiện nay, không thể chở thêm ai trong số 1 triệu người kia. Một bài báo khác đặt vấn đề: nếu chẳng may một người có xe mang biển số chẵn mà lại có nhu cầu đi lại trong ngày lẻ - như vợ họ đau đẻ chẳng hạn thì giải quyết sao đây? Hay là bà vợ cũng phải chờ ngày chẵn mới được phép đau? Họ có thể phải mượn xe hoặc nhờ người khác đưa đi, cũng có thể họ đi taxi, thậm chí với những người có tiền, họ sẵn sàng mua thêm một chiếc xe khác có biển số lẻ để thay đổi phương tiện đi lại mỗi khi có nhu cầu. Khi đó, quy định về việc tham gia giao thông theo biển số xe chẵn, lẻ không những không có tác dụng mà còn gây rất nhiều khó khăn cho người dân. Đó là chưa kể những hệ lụy khác liên quan như nạn “cò” làm biển số xe chẵn, lẻ có thêm đất sống và tha hồ hoành hành…

Ngược với động thái của người dân (được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng), ngành chức năng TPHCM lại khá giữ tiếng trước đề xuất của mình. Không ai hiểu vì sao, trong khi nhiều báo cáo của ngành đã khẳng định, hệ thống vận tải hành khách công cộng hiện nay của TP đủ sức đáp ứng nhu cầu đi lại cho khoảng 3 triệu lượt hành khách mỗi ngày, tức gấp đôi lượng hành khách mà ngành đang có. Như vậy, điều này cũng có nghĩa là nếu áp dụng thuật toán “chẵn, lẻ” thì không phải sẽ có 1 triệu người ở nhà vì không có phương tiện giao thông để đi. Hơn nữa, mạng lưới tuyến của hệ thống vận tải hành khách công cộng TP cơ bản cũng đã vươn tới hầu hết các khu vực đông dân cư của TP và kết nối với gần hết các trung tâm thương mại, chợ, bệnh viện, các trường đại học, các bến xe liên tỉnh… Người dân có nhu cầu đi khám bệnh hay đi đẻ không phải đợi ngày “chẵn, lẻ” như số xe của mình. Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ở khu vực Nam Mỹ như Colombia, Brazil… những nơi có tình hình giao thông tương tự Việt Nam, cụ thể là TPHCM đã áp dụng phương án giảm xe cá nhân theo cách “chẵn, lẻ” và đã thành công. Thế nhưng, tại sao ngành chức năng lại không mạnh dạn tranh luận công khai? Nếu thực sự những thông tin kia là đúng?

Việc có ý kiến khác nhau về một vấn đề, nhất là một vấn đề mới, đụng chạm tới quyền lợi, thói quen của nhiều người là điều hết sức bình thường, hoàn toàn không xấu. Vấn đề là bản lĩnh người đưa ra vấn đề: suy nghĩ thật chín trước khi công bố và một khi đã công bố thì phải quyết liệt bảo vệ quyết định của mình. Không phải sự im lặng mà chính là những phân tích xác đáng, có lộ trình thực hiện hợp lý sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục