Như vậy là nước Anh sẽ có nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử khi ngày 11-7, đảng Bảo thủ cầm quyền Anh xác nhận Bộ trưởng Nội vụ Theresa May chính thức được bầu chọn làm người đứng đầu đảng. Bà Theresa May sẽ nhậm chức Thủ tướng Anh ngay sau buổi chất vấn đối với Thủ tướng David Cameron sắp rời nhiệm sở, tại Hạ viện trong hôm nay 13-7.
Cương vị mới sẽ đảm nhận cũng đồng nghĩa với việc bà Theresa May sẽ là người giải quyết tất cả những thủ tục đưa nước Anh rời khỏi EU. Sau khi được thông báo chiến thắng, bà Theresa May đã kêu gọi nước Anh đoàn kết, đồng thời cam kết sẽ đưa nước Anh rời khỏi EU một cách thành công. Thông tin bà May sẽ trở thành tân Thủ tướng Anh như một động thái xoa dịu những lo ngại về tình trạng bất ổn chính trị tại nước này khiến chỉ số chứng khoán hàng đầu châu Âu STOXX Europe 600 đã tăng lên mức cao nhất kể từ thời điểm Anh bỏ phiếu rời EU. Các nhà phân tích kinh tế bày tỏ tin tưởng bà May - một trong những bộ trưởng dày dặn kinh nghiệm nhất trong nội các của Thủ tướng David Cameron - sẽ sớm dẫn dắt nước Anh lấy lại sự ổn định chính trị và giành được những thỏa thuận tốt nhất với EU về thương mại, kinh tế... cho nước Anh trong quá trình đàm phán về Brexit. Báo Guardian ngày 12-7 nhận định, với kinh nghiệm giữ chức Bộ trưởng Nội vụ Anh từ năm 2010 đến nay, bà May có thể giúp Anh “trở thành nước đáp ứng được nhu cầu của mọi người dân” như bà cam kết. Kênh truyền thông CNN của Mỹ miêu tả bà May là “đôi tay an toàn” đưa Anh thông qua các đàm phán với EU...
Với vai trò là Bộ trưởng Nội vụ có nhiệm vụ kiểm soát nhập cư và an ninh quốc gia, bà May từng nổi tiếng với đường lối cứng rắn để hạn chế người nhập cư vào Anh. Trong cuộc vận động tranh cử, bà đã nhiều lần lặp lại cam kết giảm người nhập cư trong thời gian tới trong bối cảnh người di cư vào Anh hiện lên đến 330.000 người, mặc dù bà không nêu con số cụ thể. Tuy nhiên, tân Thủ tướng Anh cho biết không có ý định đòi Anh rút khỏi Công ước châu Âu về quyền con người (dễ trục xuất người nước ngoài nguy hiểm) để bảo đảm quyền lợi cho nước Anh. Từng làm Bộ trưởng Phụ nữ và Bình đẳng, bà May ủng hộ bình đẳng giới. Đối với lĩnh vực kinh doanh và quyền lợi người lao động, trong phát biểu ngày 11-7, bà May tuyên bố: “Dưới sự lãnh đạo của tôi, đảng Bảo thủ sẽ tự đặt mình dứt khoát hoàn toàn chỉ phục vụ người lao động”. Bà cam kết tạo cho người lao động một chỗ đứng trong hội đồng quản trị các công ty và được bỏ phiếu cổ đông hàng năm về lương thưởng... Bà cũng thay đổi lập trường giáo dục trước đây của mình khi chống lại việc nâng mức trần phí đại học, mặc dù năm 2010, bà đã từng bỏ phiếu ủng hộ...
Trong cuộc đua tranh chức Thủ tướng Anh, bà May là một trong những người ủng hộ Anh ở lại EU. Nhưng trong bài phát biểu phát trên truyền hình, bà tuyên bố nước Anh sẽ không thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để ở lại “mái nhà chung châu Âu” và càng không nỗ lực để tái gia nhập liên minh này một lần nào nữa. Một số người hoài nghi rằng, người ủng hộ Anh ở lại EU như bà May khó có thể lãnh đạo được một đất nước đã chọn rời khỏi khối này. Tuy nhiên, bà May vẫn khẳng định, nước Anh đang tìm kiếm nhiều hơn “một thủ tướng Brexit”.
HẠNH CHI