Gương mặt “Học bổng Nguyễn Văn Hưởng”

Chàng sinh viên nghèo trở thành giảng viên đại học

Từ nguyện vọng cao đẹp của cố GS-BS Nguyễn Văn Hưởng - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, cùng sự hỗ trợ của các cá nhân và tổ chức hảo tâm, đến nay sau 8 năm, chương trình Học bổng Nguyễn Văn Hưởng đã góp phần “chắp cánh” cho hàng trăm sinh viên y khoa… Chúng tôi đã có dịp gặp lại BS Nguyễn Hoài Phong - một trong những sinh viên nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần 2 (năm 1999). Phong hiện là giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM.
Chàng sinh viên nghèo trở thành giảng viên đại học

Từ nguyện vọng cao đẹp của cố GS-BS Nguyễn Văn Hưởng - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, cùng sự hỗ trợ của các cá nhân và tổ chức hảo tâm, đến nay sau 8 năm, chương trình Học bổng Nguyễn Văn Hưởng đã góp phần “chắp cánh” cho hàng trăm sinh viên y khoa… Chúng tôi đã có dịp gặp lại BS Nguyễn Hoài Phong - một trong những sinh viên nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần 2 (năm 1999). Phong hiện là giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM.

Chàng sinh viên nghèo và giấc mơ trở thành bác sĩ

Chàng sinh viên nghèo trở thành giảng viên đại học ảnh 1

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình bần nông nghèo khó, nên ngay từ nhỏ Phong đã phải chịu nhiều thiệt thòi. Nhà đông con nhưng không có đất trồng trọt, sinh sống nên năm 1987 gia đình Phong đành phải ly tán làm 2 nơi.

Bố mẹ và 2 người anh lớn đi lập nghiệp ở vùng kinh tế mới thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng gần biên giới Campuchia, còn Phong, chị gái và đứa em trai vì còn nhỏ nên được gửi lại ở với ông bà ngoại ở Tân Trụ, Long An.

Hàng ngày, sau giờ đi học Phong lại phải làm rất nhiều công việc để phụ ngoại kiếm sống như ra đồng mót lúa, chăn bò, cắt cỏ, chăn vịt, cấy lúa… Dù khó khăn như vậy nhưng Phong vẫn luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi liên tiếp trong 12 năm liền. Năm 1994, Phong thi đậu vào 2 trường đại học.

Hồi đó, với vị trí Á khoa của Trường Đại học Tổng hợp lẽ ra Phong có thể tìm được một suất đi du học ở nước ngoài nhưng cuối cùng Phong lại học Đại học Y Dược TPHCM, vì từ nhỏ anh đã có mơ ước lớn lên sẽ trở thành bác sĩ để có thể chữa bệnh cho mọi người.

Học bổng Nguyễn Văn Hưởng chắp cánh ước mơ

Ngày nhập học, Phong mừng ít mà lo nhiều, vì không biết làm gì để có tiền ăn học trong 6 năm ở giảng đường đại học. Ở vùng quê nghèo này, ngay cả những gia đình được cho là khá giả nhất cũng chưa chắc kham nổi chi phí đắt đỏ ở thành phố, huống chi nhà nghèo như gia đình Phong. Từ trước đến nay bố mẹ làm nông, cả nhà sống nhờ vào “cánh đồng hoang” chừng 1,5 ha, nhưng đầy hố bom, mỗi năm cho thu hoạch chưa đầy 3 tấn thóc.

Không muốn đi theo “vết xe đổ” của các anh chị trước đây, Phong quyết chí rời quê thực hiện ước mơ làm bác sĩ cứu người. Đời sinh viên của Phong diễn ra khó khăn, thiếu thốn trăm bề, ăn uống còn không đủ chứ nói gì chuyện mua sắm sách vở. Mỗi ngày Phong chỉ ăn cơm vào buổi tối, còn bữa trưa thì ăn mì tôm hoặc gói xôi mà Phong mua để dành từ buổi sáng.

Dù gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn như vậy nhưng kết quả học tập của Phong rất tốt. Nhờ đó, năm 1999, Phong đã được chương trình học bổng Nguyễn Văn Hưởng trao tặng học bổng dành cho những sinh viên ngành Y học giỏi vượt khó. Bác sĩ Phong nhớ lại: lúc đó chương trình học của sinh viên càng về cuối càng nặng, khiến mình không còn thời gian để đi làm thêm. Trong khi ở quê mùa màng thất bát, mẹ ngã bệnh.

Giữa lúc mình cảm thấy bế tắc tưởng chừng như “gãy gánh giữa đường” thì may mắn chương trình Học bổng Nguyễn Văn Hưởng đã kịp thời hỗ trợ cho mình. Với số tiền 4 triệu đồng mà Phong nhận được trong 2 năm 1999 và 2000 đã phần nào giúp Phong vượt qua nỗi lo “cơm áo gạo tiền” toàn tâm toàn ý cho việc học và có điều kiện mua sắm tài liệu, sách vở và trau dồi thêm ngoại ngữ. Nhờ đó mà Phong đã hoàn thành chương trình của 2 năm cuối và vượt qua kỳ thi tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi.

“Cú hích” ấy còn tạo điều kiện để Phong có đủ tiêu chuẩn tiếp tục thi đậu vào chương trình học nâng cao: bác sĩ nội trú bệnh viện chuyên ngành nhi. Sau khi học tiếp chuyên ngành nhi trong 3 năm từ 2001 đến 2004, Phong được Trường Đại học Y Dược TPHCM giữ lại làm giảng viên.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Phong xúc động cho biết, học bổng Nguyễn Văn Hưởng không chỉ có giá trị về vật chất mà còn có giá trị về tinh thần, nó vừa là niềm vui vừa là nguồn động viên rất lớn cho các bạn sinh viên vượt qua khó khăn để học tập tốt. Cao hơn nữa chương trình này còn có ý nghĩa xã hội rất lớn bởi nó góp phần không nhỏ trong sự nghiệp chăm lo sức khỏe nhân dân.

Tin cùng chuyên mục