Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao khẳng định tòa án hoạt động độc lập, không có chỉ đạo từ tòa án cấp trên với tòa án cấp dưới

Sáng 10-11, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) chất vấn về việc đảm bảo tính độc lập trong xét xử của thẩm phán, hoạt động tòa án có chỉ đạo án hay không?

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định tòa án hoạt động độc lập, tòa án cấp trên tôn trọng xét xử của tòa án cấp dưới, không có chỉ đạo từ tòa án cấp trên với tòa án cấp dưới. Nếu tòa án cấp dưới còn việc lúng túng trong áp dụng pháp luật và hỏi thì tòa án cấp trên hướng dẫn về áp dụng khi có cách hiểu khác nhau về một nội dung luật. “Hướng dẫn này mang tính tham khảo, không được coi là chỉ đạo án. Chúng tôi không chỉ đạo án bằng một văn bản. Nếu chỉ đạo thì phải có hồ sơ gốc và cùng nhau xem xét”, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao khẳng định tòa án hoạt động độc lập, không có chỉ đạo từ tòa án cấp trên với tòa án cấp dưới ảnh 1 Các ĐBQH chất vấn sáng 10-11. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) chất vấn về trách nhiệm để xảy ra thất thoát khi đấu giá đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, theo luật định, trách nhiệm quản lý đất đai thuộc Bộ TN-MT, tuy nhiên Bộ trưởng thừa nhận có tình trạng thất thoát, trong đó có việc xác định giá đất không sát thị trường, giao đất cho nhà đầu tư khi đất chưa sạch và sau khi đền bù thì giá cả thay đổi. Qua thanh tra kiểm tra còn nhiều trường hợp cần xử lý, liên quan tới việc sau cổ phần hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Tới đây, các bộ, cơ quan sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định để kiểm soát chặt chẽ về vấn đề này, đặc biệt là quy định về đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể về giải pháp đột phá, căn cơ để giải quyết hạ tầng giao thông ở khu vực ĐBSCL. ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cũng mong Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thực hiện đúng cam kết về việc xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là cao tốc ở khu vực ĐBSCL.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, nhiệm kỳ tới khu vực này sẽ có khoảng 300km đường cao tốc, điều này đã được tính toán kỹ, đã được bố trí đủ vốn. Bộ trưởng cũng khẳng định, nhiệm kỳ tới Chính phủ đặt mục tiêu thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào 2025. Ngoài các tuyến cao tốc, Bộ GTVT đang tập trung vào 4 trục giao thông dọc, 4 trục ngang, tạo nên mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối toàn vùng ĐBSCL. Bộ trưởng mong Quốc hội ủng hộ.

Đáp lại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Quốc hội luôn ủng hộ, vấn đề là nguồn lực và việc tổ chức thực hiện của Chính phủ.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao khẳng định tòa án hoạt động độc lập, không có chỉ đạo từ tòa án cấp trên với tòa án cấp dưới ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Tô Thị Bích Châu (TPHCM) chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng tại sao chênh lệch trong đầu tư cao tốc ở miền Nam với các vùng khác?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đầu tư cao tốc phụ thuộc quy hoạch, mặt bằng, địa chất, hiệu quả dự án, thu hút đầu tư… Có thể do phía Bắc khoảng cách xa hơn, thu hút đầu tư tốt hơn nên vừa qua được đầu tư nhiều cao tốc hơn. Giai đoạn tới, Chính phủ sẽ đầu tư nhiều cao tốc hơn trong khu vực phía Nam, đặc biệt khu vực ĐBSCL.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cao tốc làm theo quy hoạch, nơi nào cấp bách, lưu lượng nhiều thì làm trước, điều này Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT phải tính toán để tham mưu Chính phủ phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) việc quản lý nội dung, thuế phí đối với các kênh truyền hình trả tiền nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Bộ trưởng cho biết doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, luật pháp, trong khi một số nền tảng xuyên biên giới không nộp thuế, không tuân thủ luật pháp Việt Nam. Đây là sự cạnh tranh không cân bằng.

Đối với truyền hình trả tiền, hiện Việt Nam có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, với khoảng 14 triệu thuê bao, doanh thu khoảng 9.000 tỷ đồng/năm. Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Apple TV, WeTV (Trung Quốc) đang cung cấp tại Việt Nam khoảng 1 triệu thuê bao, doanh thu ước tính gần 1.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trong nước cơ bản phải tuân thủ quy định về cấp phép, biên tập nội dung, nộp phí đóng thuế (quý 1-2020 giảm khoảng 1 triệu thuê bao truyền hình truyền thống).

Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài chưa phải thực hiện các quy định pháp luật Việt Nam, tăng trưởng mạnh và có nhiều vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục, đạo đức truyền thống. Đơn cử thuê bao của Netflix riêng quý 1 tại Việt Nam tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Bộ trưởng, Netflix có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam về báo chí, điện ảnh, trẻ em. Cụ thể phản ánh sai trái lịch sử như loạt phim về chiến tranh Việt Nam; xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như phim Madam Secretary; có nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm...

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng cần sửa đổi Nghị định 06 năm 2016 về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trên Internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Bộ TT-TT đã soạn thảo xong, đang trình Chính phủ xem xét. Cùng với đó là việc sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính để gắn trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới; tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kinh tế kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà mạng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) tiếp tục chất vấn về dự án lấn biển Cần Giờ (TPHCM). ĐB cho rằng dự án đó là mong muốn của chính quyền, nhân dân TPHCM, sẽ làm thay đổi bộ mặt thành phố. Nhưng nhân dân rất lo lắng về tác động đến môi trường.

Trả lời chất vấn vào ngày 9-11, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã giải thích và khẳng định đây là một dự án cần phải làm ở tiêu chuẩn cao nhất mà nếu dự án này thành công, đây có thể là một dự án về kinh tế dựa trên sinh thái tự nhiên hoàn hảo.

“Nếu không thành công thì Bộ trưởng hay cơ quan nào của Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này?”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm chất vấn.

Về điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà trao đổi thêm với ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm.

Tin cùng chuyên mục