Chắt chiu

Chắt chiu

Ai cũng cho rằng chắt chiu vốn là đức tính của phụ nữ, vậy mà đức tính ấy lại có ở  ba tôi!       

Má tôi sớm ra đi khi bầy con sáu đứa vẫn chưa khôn lớn. Tôi là đứa thứ tư, lúc má qua đời tôi chỉ mười lăm tuổi. Nhà nghèo, con đông, ba tôi phải chèo chống vất vả để con mình có ăn, có mặc, được học hành. Tuổi thơ, chúng tôi không có đồ chơi mua ở tiệm như bọn con nít khác. Ba thường tự tay làm cho anh em chúng tôi những món đồ chơi bằng những thứ người ta bỏ đi: Bộ nồi niêu chén dĩa bằng đất sét cho ba đứa con gái. Cái xẻng, cái dao bằng giấy cứng hay chiếc xe kéo có bốn bánh làm bằng bốn trục ống chỉ cho tụi con trai. Tôi là đứa hay để ý. Từ nhỏ, tôi đã rất ngạc nhiên vì ba tôi hay để dành mọi thứ: cái ruột xe đạp cũ, vài ba cây đinh lượm quanh nhà... Ba là công nhân xưởng sản xuất đồ gỗ, những gì chủ xưởng vứt đi, ba lượm về. Dần dần, ba có một kho đồ riêng. Những lúc trong nhà cần sửa cái bàn hay cái ghế, ba đều đóng lại một cách tài tình. Đồ đạc trong nhà, ba đem cái này thế vào cái kia để còn xài được mà không phải mua.

Ảnh minh họa Nguồn: PHOTOLIBRARY
Ảnh minh họa                                           Nguồn: PHOTOLIBRARY

Khi má tôi qua đời, anh Hai vừa hai mươi tuổi, thằng út mới lên bảy, ba kiêm luôn việc của người mẹ. Ngoài giờ đi làm, ba thường chăm chút việc nhà để chị Ba và chúng tôi có thời giờ học. Tôi thường hỏi ba bằng giọng tò mò của con trẻ: “Sao ba hay lượm rồi để dành đồ đạc chi vậy? Chật hết cả nhà!”. Ba cười rồi xoa đầu tôi: “Coi vậy mà cần lắm đó con! Có khi, cần sửa cái gì đó, mình không phải mua, vừa tốn tiền vừa tốn công!”. Tôi ngẫm nghĩ lời ba và thấy cũng có lý.

Có lần ba bệnh phải nghỉ việc. Cả nhà buồn bã không yên, anh Hai đang ôn thi đại học định bỏ ngang để tìm việc phụ lo cái ăn trong nhà. Ai cũng muốn làm việc gì đó giúp ba. Nhưng ba không đồng ý để chúng tôi cực nhọc. Ba đưa ra cuốn sổ tiết kiệm với số tiền khá lớn. Chúng tôi bất ngờ vì mỗi ngày phải thắt lưng buộc bụng, không được hoang phí đồng nào, vậy mà… Ba nhìn chúng tôi bảo: “Nếu mỗi ngày ba cứ để tụi con muốn gì cũng được thì tụi con hóa ra những đứa trẻ hư thân sao? Ba thương và muốn tụi con phải biết trân trọng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ làm ra và cũng phải biết để dành. Nếu ba không sớm biết để dành, ngay lúc này chắc tụi con phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền rồi. Hãy lo học và phải trân trọng những gì mình có”.

Bây giờ, sáu anh em chúng tôi đã nên người, đã thành đạt, đã có những mái ấm gia đình đầy đủ và hạnh phúc. Những lời dạy và cách sống của ba đã được anh em chúng tôi coi như kim chỉ nam để đường đời mình không lạc hướng. Xin dâng lên ba tấm lòng biết ơn sâu nặng của chúng con.

NGÔ NGUYÊN (BV Mắt-Răng-Hàm-Mặt, Cần Thơ)

Tin cùng chuyên mục