“Chất độc” bủa vây cổng trường

Tình trạng hút thuốc lá điện tử, thổi keo bong bóng ở học sinh Quảng Bình và Hà Tĩnh đang diễn ra khiến không ít người lo lắng. 
Một trong 3 học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Phú Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) ngộ độc khí N​2O do thổi keo bong bóng. Ảnh: TTXVN
Một trong 3 học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Phú Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) ngộ độc khí N​2O do thổi keo bong bóng. Ảnh: TTXVN

Vụ việc 3 học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Phú Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) nhập viện mới đây do ngộ độc khí N2O khi thổi keo bong bóng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo “chất độc” đang được bày bán tràn lan, công khai trước cổng trường.  

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, tại các cổng trường ở Quảng Bình, nhiều học sinh lớp 5 - lớp 12  đang truyền tai nhau thổi keo bong bóng dạng tuýp bán ở các tiệm tạp hóa cạnh trường học là “mốt” mới trong giới trẻ. Các tuýp keo bong bóng này sử dụng một ống thổi bong bóng được giới trẻ xem là trò chơi tuổi thơ. Mỗi tuýp 3.000-5.000 đồng, hàng chủ yếu từ Trung Quốc nhập về, cho vào ống tuýp rồi dán nhãn Made in Vietnam, nhưng không ghi rõ nhà sản xuất. N.V.T., một học sinh THCS ở Đồng Hới, cho biết: “Keo bong bóng thổi vào có cảm giác lâng lâng, nghe nhạc thích. Dùng một thời gian không có nó là cảm thấy thèm”.

Hầu hết tiệm tạp hóa quanh các trường học ở Quảng Bình đều có bán keo bong bóng này. Chị H., chủ một tiệm tạp hóa cạnh Trường Tiểu học Đồng Phú (TP Đồng Hới), cho biết: “Keo bong bóng dạng tuýp này không hiểu vì sao trẻ con rất thích, chúng nói thổi ra bong bóng bay thấy hay hay, lâng lâng nên mua dùng mỗi ngày. Vì có nhu cầu nên nhập về để bán. Từ khi có 3 học sinh nhập viện, sợ bị soát xét nên quầy nhà tôi không nhập loại này nữa”.

Cách thức các tiệm tạp hóa nhập keo bong bóng là lên mạng đặt hàng sau đó được chuyển về qua đường bưu kiện. Theo chỉ dẫn, chúng tôi lên mạng tìm kiếm từ khóa: “Keo bong bóng”, xuất hiện nhiều gian hàng ở kênh Shopee và Ladaza.

Bên cạnh đó, giới trẻ cũng đang “so tài” nhau, thể hiện sự sành điệu bằng hút thuốc lá điện tử loại rẻ tiền. M., một học sinh cấp 3 ở TP Đồng Hới, nói: “Thấy mấy bạn cùng trường hút thì em hút theo. Đến giờ em sắm cho mình 3 điếu: vị bạc hà, vị trái cây, vị nho. Trước đây từng đưa vào lớp hút, nhưng sau đó trường cấm thì chỉ lúc ra chơi đến quán mới hút. Hút để thể hiện “đẳng cấp” với bạn bè chứ không nó coi thường!”.

Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình từng ra công văn chấn chỉnh hút thuốc lá điện tử trong giới học sinh, sinh viên. Trước đây, mặt hàng thuốc lá điện tử bày bán công khai, tuy nhiên khi có những chấn chỉnh này thì giới trẻ lập các hội kín mua bán thuốc lá điện tử và hóa chất các mùi vị để hút. Mới đây, Công an xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đã lập biên bản một nhóm gần 10 học sinh Trường THCS Tân Ninh ép nhau hút thuốc lá điện tử trong giờ ra chơi tại khu vực nhà vệ sinh trường học. Biên bản nêu rõ, có cả nữ sinh tham gia hút, nhiều em có dấu hiệu lơ ngơ, mất phương hướng. 

Tại địa bàn thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), Công an huyện phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Phương H. và Lê Thanh T. (đều 19 tuổi, trú tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An) mang 9 gói thuốc lá lạ (gồm 54 điếu thuốc, có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài) được đóng gói trong các vỏ bao màu sắc sặc sỡ, nhiều hoa văn và in nhãn hiệu Dominix, Amsterdam (thường gọi là thuốc lá “cười”) sang Nghi Xuân rao bán.

Qua làm việc, H. và T. đặt mua số thuốc lá trên qua mạng rồi về đăng lên trang mạng xã hội Facebook cá nhân rao bán với giá 60.000 đồng/điếu, 350.000 đồng/gói. Thời điểm bị phát hiện là lúc H. và T. đang mang đến giao cho khách hàng là các em đang trong lứa tuổi học sinh trên địa bàn huyện Nghi Xuân.

Bác sĩ Lại Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), cho biết, rất khó để xử lý việc buôn bán những loại thuốc lá điện tử vì không nằm trong thành phần chất gây nghiện. Có lẽ cơ quan chức năng đã đến lúc cần phải sửa đổi luật để bảo vệ giới trẻ.

Tin cùng chuyên mục