Châu Á đối phó bụi mịn

Nhiều thành phố lớn tại châu Á thời gian qua phải đối mặt với tình trạng bụi mịn dày đặc gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân. Trước tình trạng này, một số quốc gia trong khu vực đã khẩn trương triển khai các biện pháp giảm mật độ bụi mịn cũng như đẩy lùi tình trạng ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí do bụi mịn đang ngày càng trở nên nghiêm trọng tại Seoul, Hàn Quốc
Ô nhiễm không khí do bụi mịn đang ngày càng trở nên nghiêm trọng tại Seoul, Hàn Quốc

Thảm họa xã hội

Từ ngày 21-10, thủ đô Seoul (Hàn Quốc) và các khu đô thị lân cận đã bắt đầu triển khai các biện pháp sơ bộ để giảm lượng bụi mịn gây ô nhiễm không khí. Đây là những bước đi đầu tiên được giới chức Hàn Quốc triển khai trong mùa thu năm nay. Theo đó, hàng loạt biện pháp sơ bộ được triển khai trong các lĩnh vực công nhằm chủ động giảm thiểu lượng bụi mịn. Thủ đô Seoul, thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi lân cận sẽ áp dụng các biện pháp mới được triển khai trong bối cảnh mật độ bụi siêu mịn được dự đoán sẽ tăng trong ngày thứ 2 liên tiếp. Theo các biện pháp này, viên chức và quan chức làm việc tại các cơ quan công quyền ở những khu vực kể trên phải để ô tô ở nhà luân phiên theo biển số chẵn và lẻ. 

Giới chức Chính phủ Hàn Quốc cho biết, mật độ bụi siêu mịn sáng 21-10 ở mức trung bình nhưng dự đoán sẽ tăng lên vào buổi chiều, do ảnh hưởng của bụi mịn từ Trung Quốc và Triều Tiên. Hồi tháng 3 vừa qua, Hàn Quốc đã coi bụi mịn là thảm họa xã hội khi mức độ và tần suất ô nhiễm không khí tăng trong những năm gần đây. Ngoài ra, Hàn Quốc đã triển khai chương trình đặc biệt nhằm vào những phương tiện xả thải gây ô nhiễm, một phần trong những nỗ lực giảm bụi mịn gây ô nhiễm trong mùa đông. Chương trình này sẽ kéo dài tới ngày 15-11 tại Seoul và 16 khu đô thị, tập trung vào các loại xe tải, xe buýt và các phương tiện chuyên chở học sinh của các trường tư nhân.

Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết, giới chức 17 tỉnh và thành phố sẽ tập trung vào giám sát lượng khí phát thải từ các xe chạy bằng diesel. Theo luật hiện hành, tất cả các lái xe phải tuân thủ những biện pháp trong chương trình đặc biệt này nếu không sẽ phải đối mặt với mức phạt tối đa 2 triệu won (gần 1.700 USD). Phương tiện bị phát hiện có lượng khí thải vượt mức cho phép sẽ được yêu cầu đưa đi kiểm tra và nâng cấp trong vòng 15 ngày. Lực lượng chức năng có thể cấm các lái xe sử dụng phương tiện trong vòng tối đa 10 ngày nếu không thực hiện yêu cầu kể trên.

Lập phòng tác chiến

Cứ vào mùa đông, New Delhi lại bị bao phủ bởi một lớp khói độc hại từ ô tô, khí thải công nghiệp và khói đốt rơm rạ trên các cánh đồng ở ngoại ô thủ đô có 20 triệu dân này. Nhằm hạn chế bụi mịn, thủ đô New Delhi của Ấn Độ ban hành lệnh cấm sử dụng các máy phát điện dùng dầu diesel trong bối cảnh mức ô nhiễm tại thủ đô Ấn Độ đã vượt quá giới hạn an toàn hơn 4 lần. Lệnh cấm sử dụng máy phát điện diesel là một phần trong kế hoạch hành động mang tên GRAP có hiệu lực từ giữa tháng 10. Các biện pháp khác sẽ được áp dụng khi mức khói bụi tăng, nhất là sau lễ hội Diwali vào cuối tháng 10, gồm cấm xe tải và thiết lập một “phòng tác chiến” theo dõi tình hình ô nhiễm. Từ ngày 15-11, một kế hoạch phân chia đường sẽ có hiệu lực, theo đó các ô tô biển lẻ và chẵn sẽ được phép đi trong các ngày khác nhau trong tuần. Ấn Độ cũng đang tìm cách cắt giảm việc đốt rơm rạ của nông dân ở ngoại ô New Delhi. 

Tại Thái Lan, chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) công bố kế hoạch lắp đặt tháp lọc không khí cỡ lớn đầu tiên tại bến tàu điện trên cao Siam trong tháng 10 này. BMA cũng đề nghị hội đồng thành phố mua 6 xe phun nước để giúp giảm khói bụi. Bộ Giáo dục Thái Lan sẽ bàn giao lô máy lọc không khí đầu tiên cho 37 trường công tại thủ đô và vùng phụ cận trong 2 tuần tới. Đồng thời đặt hàng Văn phòng Ủy ban Giáo dục nghề nghiệp sản xuất 10.000 máy lọc không khí giá rẻ, có giá 2.000 baht/máy, để phân phát cho các trường học ở những khu vực dễ bị ô nhiễm bụi.

Tin cùng chuyên mục