Châu Âu đối phó với làn sóng Covid-19 thứ hai

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay ở châu Âu đang trở lại với làn sóng thứ hai. Số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở châu lục này đang dần tăng trở lại và có thể lên tới mức cao như thời điểm đỉnh dịch của làn sóng thứ nhất.
Bến thuyền tại Camogly, miền Nam Italy vắng khách do Covid-19
Bến thuyền tại Camogly, miền Nam Italy vắng khách do Covid-19

Ca nhiễm mới tăng mạnh

Các quốc gia ở châu Âu đã tăng cường các hạn chế đi lại một lần nữa trong bối cảnh lo ngại rằng một làn sóng thứ hai của Covid-19 đang đến gần. Cơ quan y tế công cộng của Đức, Viện Robert Koch, ngày 1-8 cho biết, họ rất quan ngại đến các trường hợp mắc Covid-19 đang gia tăng ở nước này. Đức từng được coi là hình mẫu trong phòng chống dịch, nhưng ngay sau khi nới lỏng phong tỏa, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 bắt đầu tăng nhanh, từ hơn 300 ca lên khoảng 700 - 800 ca/ngày, mặc dù vẫn còn thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm hồi tháng 3 với hơn 6.500 ca/ngày.

Tây Ban Nha trong tuần qua đã ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh mỗi ngày, cao gấp gần 10 lần so với các mức hồi tháng 6, thời điểm lệnh phong tỏa ở quốc gia Nam Âu được dỡ bỏ. Dữ liệu từ Bộ Y tế nước này cho thấy, số ca mắc Covid-19 trung bình mỗi ngày trong những ngày gần đây lên tới 1.900 ca, so với mức dưới 400 ca/ngày trong tháng 6. Thậm chí ngày 31-7, số ca nhiễm mới ở Tây Ban Nha đã lên tới 3.092 trường hợp. Hai điểm nóng hiện nay ở Tây Ban Nha là Aragon và Catalonia. Tại Italy, số ca nhiễm mới mỗi ngày cũng có dấu hiệu gia tăng trở lại với mức trên dưới 300 ca/ngày. Mặc dù số ca nhiễm không tăng mạnh như các nước khác, nhưng nước này vẫn quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19 đến ngày 15-10.

Các quốc gia ở Đông Nam châu Âu như Albania, Bulgaria, Bắc Macedonia và Romania cũng đang chứng kiến tình trạng các ca mắc Covid-19 tăng mạnh vào tháng 7 so với thời gian trước đó. 

Áp lực về du lịch

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, mỗi quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có cách tiếp cận riêng. Theo Euronews, Bỉ vốn là quốc gia mạnh mẽ nhất trong việc kêu gọi các nước thành viên EU dỡ bỏ mọi hạn chế biên giới nội bộ để đáp ứng nhu cầu đi lại trong mùa hè. Thế nhưng, không lâu sau khi Hà Lan khuyến cáo công dân hạn chế đi lại không thiết yếu vào đầu tuần này, Bỉ đã phân loại Hà Lan trở thành khu vực “màu cam” và những người từ khu vực đó trở về phải được xét nghiệm và cách ly. 

Đối với phần còn lại của châu Âu, một số quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch đang phải đối mặt với những tổn thất nặng nề. Công dân Anh đi nghỉ ở Hy Lạp hay một số nước Balkan khi quay về bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2. Đức từ tuần tới cũng có kế hoạch bắt buộc những người trở về từ 3 vùng dịch của Tây Ban Nha, trong đó có Catalonia, phải bị cách ly hoặc phải được xét nghiệm Covid-19. Pháp và Bỉ đang khuyến nghị những người đi du lịch hủy bỏ kế hoạch nghỉ hè ở Barcelona và các bãi biển gần thành phố này. Đây được coi là một đòn mạnh giáng vào ngành du lịch của phần lớn các quốc gia Nam Âu trong bối cảnh các hoạt động du lịch chỉ vừa mới khôi phục phần nào.

Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge cho rằng, số ca mắc mới Covid-19 gia tăng ở lục địa già không phải là điều bất ngờ. Do các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ và người dân được phép tự do di chuyển trở lại giữa các nước châu Âu, các ca “nhập khẩu” cũng như tình trạng lây lan virus ở nhiều địa phương đã khiến tổng số ca nhiễm mới tăng mạnh. Giới chuyên gia nhận định, việc kéo dài tình trạng khẩn cấp sẽ tiếp tục cho phép cả chính quyền trung ương lẫn địa phương có nhiều quyền hơn trong xử lý đại dịch. Chẳng hạn như các bộ trưởng có thể dễ dàng tuyên bố thiết lập các vùng đỏ nếu dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại.

Tin cùng chuyên mục