Châu Âu gia tăng sản xuất khí hydro

Năm 2023 chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong thị trường đầu tư vào khí hydro tại châu Âu với mức dự báo tăng đáng kinh ngạc 800% trong tổng công suất lắp đặt của các dự án năng lượng hydro. Các nhà phân tích cho rằng, đây sẽ là lần đầu tiên tổng công suất khí hydro ở châu Âu vượt mốc 1GW.
Một cơ sở sản xuất khí hydro xanh ở Anh
Một cơ sở sản xuất khí hydro xanh ở Anh

Theo các chuyên gia, Vương quốc Anh và Đức, mỗi nước nắm giữ 400MW dự án khí hydro đang được triển khai. Cả hai quốc gia đều đóng vai trò quan trọng với thị trường khí hydro ở châu Âu. Các dự án đã lên kế hoạch và đang triển khai có thể đưa tổng công suất các dự án hydro trên khắp châu Âu tăng từ khoảng 236MW vào năm 2022, lên hơn 2GW vào năm 2023. Tuy vậy, theo Công ty Tư vấn LCP Delta (Anh), do sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng tăng trong thị trường khí hydro, châu Âu vẫn có nguy cơ tụt hậu về sản lượng khí hydro do các rào cản pháp lý cản trở quyết định đầu tư.

Một trong những dự án khí hydro đáng lưu ý tại châu Âu là của Công ty Năng lượng RWE (Đức) và nhà sản xuất dầu khí Na Uy Equinor. Hai bên đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) để phát triển hệ năng lượng tái tạo, trong đó có khí hydro xanh và khí đốt tự nhiên. Theo kế hoạch, hai công ty sẽ xây dựng các turbin khí ở Đức và các cơ sở sản xuất khí hydro xanh ở Na Uy, triển khai các đường ống dẫn khí hydro giữa hai nước và phát triển các trang trại gió ngoài khơi để sản xuất hydro xanh. Hydro được sản xuất bằng cách dùng năng lượng tái tạo tách nước và điện phân, với khí CO2 thải ra trong quá trình sản xuất được lưu trữ gọi là hydro xanh.

Đầu năm 2022, Đức nhập khẩu phần lớn khí đốt tự nhiên từ Nga (35%), tiếp theo là Na Uy (27%) và Hà Lan (13%). Đến cuối năm 2022, Na Uy trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Đức với 43%, theo sau là Hà Lan (29%), Bỉ (22%). Kế hoạch của Na Uy - Đức trước tiên là thay thế than đá bằng khí đốt tự nhiên từ Equinor, sau đó phát triển sản xuất hydro xanh quy mô lớn. Các công ty đặt mục tiêu thiết lập mạng lưới khí đốt tự nhiên và hydro xanh vào cuối thập niên này, với khoảng 3GW nhà máy điện chạy bằng khí hydro, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng cho hydro xanh, với công suất điện phân 2GW. Đức hiện là nước tiêu thụ hydro lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU) làm nguyên liệu cho công nghiệp, với nhu cầu khoảng 1,7 triệu tấn khí hydro, tương đương 22% tổng sản lượng tiêu thụ khí này của EU.

Riêng Chính phủ Vương quốc Anh đang đặt mục tiêu tăng quy mô sản xuất hydro lên 10GW vào năm 2030, trong đó ít nhất một nửa công suất này là hydro xanh. Phân tích của Công ty Dịch vụ đầu tư toàn cầu Westwood (trụ sở tại Đức) cho thấy, Vương quốc Anh phải gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất khí hydro xanh mới có thể đạt mục tiêu này, vì hiện đa số sản lượng khí hydro của Anh do các tập đoàn dầu khí sử dụng điện từ nhiên liệu hóa thạch sản xuất.

Nhu cầu khí hydro xanh ngày càng gay gắt hơn trong bối cảnh khủng hoảng giá năng lượng và áp lực từ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia kinh tế, ngành sản xuất khí hydro xanh còn non trẻ, cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ từ các chính phủ ở châu Âu. Westwood cho rằng, Vương quốc Anh có thể trở thành quốc gia đi đầu với những bước tiến đáng kể về hydro xanh cũng như thu hồi và lưu trữ khí carbon. Các biện pháp can thiệp từ các nhà hoạch định chính sách sẽ hoàn thiện tiêu chuẩn khí hydro xanh và mô hình kinh doanh. Trong đó, mô hình kinh doanh khí hydro xanh cần sự hỗ trợ liên tục từ các nguồn vốn công và tư trong dài hạn, giảm bớt rủi ro cho quá trình đầu tư.

Tin cùng chuyên mục