Chạy chức: Lẽ nào chỉ mình Cà Mau

Trong xã hội ta hiện nay, một hiện tượng rất đáng buồn là việc CHẠY khá phổ biến, đã trở thành thói quen. Có thể liệt kê vô số hành vi chạy: chạy chức, chạy quyền, bằng cấp, học vị, học hàm, danh hiệu thi đua, chạy bầu cử, chạy dự án, chạy kinh phí, chạy chỗ làm, chạy giấy phép, chạy tuổi, chạy học, chạy thi, chạy để được yên vị, nếu bị phát hiện thì chạy tội… Nói chung cuộc sống có nhu cầu gì thì người ta đều chạy cả.

Có câu hỏi đặt ra, trong một mê hồn trận chạy như nêu ở trên cần triệt cửa chạy nào trước? Quả thật quá nhiều cửa chạy, biết triệt cửa nào, nếu dàn trải thì e rằng không đủ lực. Theo chúng tôi trước tiên phải tập trung sức triệt cửa chạy chức trước. Địa chỉ chạy cửa này cũng rất dễ nhận thấy nhưng lâu nay do húy kỵ người ta thường tránh không nói tới. Cũng có thể tiên liệu rằng bịt cửa chạy chức là khó khăn và gay go nhất. Có ý kiến đề xuất trong công tác cán bộ phải thực hiện việc quy hoạch công khai, quy hoạch động không khép kín, thực hiện bầu cử, thi cử cạnh tranh vào các chức vụ…

Tuy nhiên cũng cần phải thấy hết những khó khăn khi việc chạy đã trở thành thói quen và nâng lên thành một nghệ thuật. Bầu cử ư? Họ sẽ chạy để được vào danh sách ứng cử viên, tiếp đến chạy vào liên doanh chung với những người kém thế hơn, rồi chạy vào đơn vị bầu cử sân nhà… Thi cử ư? Họ chạy bằng cấp, chứng chỉ đủ đầu vào, rồi chạy tiếp đề thi, chạy giám khảo, chạy để biến cuộc thi thật thành thi ảo… Cái khó còn ở chỗ họ biết công tác cán bộ phải làm tập thể cho nên đã cố tình chạy thì phải chạy nhiều nơi, nhiều trung tâm quyền lực.

Chuyện chạy chức ở Cà Mau rơi vào thời điểm rất phù hợp, rất lô gích. Để thực hiện Nghị định 13, 14 tổ chức lại các sở ngành, phòng ban ở tỉnh, huyện… Số ghế sẽ ít lại, vì thế sẽ có người ra đi. Vấn đề ai ra đi ai ở lại, ai lên, ai xuống là một sự trả giá. Cần nói thêm, đây cũng là chuyện của 64 tỉnh, thành chứ chẳng riêng gì Cà Mau có chuyện chạy chức. Và cũng theo lô gích này, việc tổ chức nhập tách các bộ, ngành ở Trung ương cũng không nằm ngoài quy luật!? Chuyện chạy chức không chỉ có ở địa phương mà ở Trung ương, cả trong hệ thống. Không thể chủ quan khi nói chỗ này, chỗ kia miễn dịch.

Nhớ lại trước đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lúc đấy là Phó Thủ tướng, trong báo cáo thay mặt Chính phủ đọc trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI, có đề cập “cán bộ công chức, hiện tượng chạy chức, chạy dự án, chạy tội… được nhiều nơi nói tới nhưng rất ít bị phát hiện, các biện pháp chống tham nhũng đạt hiệu quả quá thấp”.

Chuyện hy hữu tiết lộ chuyện chạy chức ở Cà Mau do ông Bí thư Tỉnh ủy nói ra trong một hoàn cảnh và động cơ còn nhiều uẩn khúc và phức tạp… Tuy nhiên, đây cũng là dịp đầu tiên để các cơ quan chức năng tập trung làm trong sạch môi trường công chức và công vụ của Cà Mau và cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho toàn bộ 64 tỉnh thành, các bộ ngành, ban bệ và toàn bộ hệ thống cần phải nghiêm khắc tự kiểm tra lại.

Diệp Văn Sơn

Tin cùng chuyên mục