“Cháy” vé tàu, máy bay đi các tỉnh thành phía Nam sau tết

Ngày 15-2, ga Hà Nội rất nhộn nhịp hành khách lên tàu vào Nam. Thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, các chuyến tàu Bắc Nam xuất phát từ ga Hà Nội trong các ngày từ 15 đến 19-2 đều đã cơ bản hết vé ở tất cả các toa.

Một số ngày còn ít ghế phụ (ghế nhựa) với giá rất cao, chặng Hà Nội - TPHCM có mức giá tới hơn 1,7 - 1,8 triệu đồng/vé. Từ ngày 20-2 trở đi các đoàn tàu còn nhiều vé các loại, trong đó chặng Hà Nội - TPHCM có vé ngồi cứng điều hòa giá trên 1,3 triệu đồng/vé; ngồi mềm điều hòa gần 1,4 triệu đồng/vé; giường nằm khoang 6 giá hơn 1,6 triệu đồng/vé; giường nằm khoang 4 giá hơn 2 triệu đồng/vé.

p3e-3598.jpg
Cảnh sát giao thông TP Đà Lạt hướng dẫn lưu thông trước chợ Đà Lạt để tránh ùn tắc trong ngày 15-2. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Tương tự, Cảng HKQT Nội Bài lượng hành khách tăng mạnh chiều từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam. Hiện vé máy bay hạng phổ thông của tất cả các chuyến bay chiều Hà Nội - TPHCM từ ngày 16 đến ngày 19-2 đã bán hết, chỉ còn vé hạng thương gia với mức giá 6,379 triệu - 8.429 triệu/vé. Từ ngày 20-2, giá vé máy bay bắt đầu hạ nhiệt với mức giá từ 2,495 triệu đồng/vé. Tương tự, chặng Hà Nội - Nha Trang ngày 17, 18-2 cũng chỉ còn vé hạng thương gia xấp xỉ 6 triệu đồng/vé.

Từ sau ngày 20-2, giá vé chặng này hạ còn 2,6 triệu đồng/vé.

Từ 26-2, hết giai đoạn cao điểm tết, giá vé máy bay tất cả các chặng đều giảm mạnh, chặng Hà Nội - TPHCM, Nha Trang, Cần Thơ... chỉ còn từ 900.000 đồng/vé. Ở đường bộ, người dân có thể thoải mái mua vé từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam, mức giá từ 700.000 - 1,2 triệu đồng/vé. Sở GTVT Hà Nội khuyến nghị hành khách vào bến mua vé, không bắt xe dù, bến cóc để tránh bị chèn ép.

Tại Kon Tum, ông Nguyễn Đức Hương, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, sau tết lượng người từ Kon Tum đi các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Khánh Hòa và TPHCM làm việc ngày một đông, sở đã yêu cầu các nhà xe huy động sẵn phương tiện để phục vụ khách, không được để xảy ra tình trạng khách không có xe đi. Ngoài ra, sở cũng đã chỉ đạo kiểm tra tình trạng xe dù, bến cóc; xe không có phù hiệu, nhằm mục đích ngăn chặn, không để xe không đảm bảo điều kiện an toàn vào khai thác.

p3b-1843.jpg
Lượng phương tiện tăng cao, các ô tô nối đuôi nhau di chuyển chậm trên đường Trần Hưng Đạo, TP Đà Lạt trong ngày 15-2. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Tại Lâm Đồng, trong ngày 15-2, người dân và du khách rời địa phương trên các tuyến quốc lộ như 20, 27, 28, 28B để trở lại các tỉnh, thành phía Nam rất đông. Quốc lộ 20 dù phương tiện tăng cao so với ngày thường nhưng các loại xe di chuyển thuận lợi. Ngay tại đèo Bảo Lộc, thường được coi là nút thắt cổ chai của quốc lộ 20 nhưng không xảy ra tình trạng kẹt xe như các đợt nghỉ lễ, tết trước đây. Nguyên nhân, do một lượng lớn phương tiện chọn lộ trình từ Đà Lạt đi xuống cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua quốc lộ 28 và 28B để về các tỉnh, thành phía Nam đã giảm tải đáng kể cho quốc lộ 20. Còn tại trung tâm TP Đà Lạt, trong ngày 15-2 khách du lịch vẫn đông khiến giao thông khu vực trung tâm thành phố, quanh hồ Xuân Hương thường xuyên bị quá tải vào các khung giờ buổi sáng, trưa và cuối giờ chiều.

Tin cùng chuyên mục