Chế tài đối với hành vi trốn thuế

Pháp luật Việt Nam có quy định như thế nào về chế tài, hình thức xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế?

Theo Thông tư 92/2015 của Bộ Tài chính, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình khi kinh doanh có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên mà không kê khai thuế để nộp thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật bị coi là hành vi trốn thuế. Các cá nhân có thu nhập thường xuyên từ 9 triệu đồng/tháng trở lên (đã giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế) mà công ty hay người sử dụng lao động có khấu trừ tiền thuế thu nhập nhưng không nộp cho cơ quan thuế cũng bị coi là hành vi trốn thuế. Theo đó, người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế nêu trên thì phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định và bị xử phạt hành chính từ 1 đến 3 lần tính trên số tiền thuế trốn (phụ thuộc vào số lần vi phạm, các tình tiết, tăng nặng, giảm nhẹ theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính). Ngoài ra, còn có thể bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách nhà nước.

Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, cá nhân, pháp nhân thương mại còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với tội danh trốn thuế khi thực hiện các hành vi: sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn; không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp. Cá nhân sẽ bị phạt tiền mức cao nhất là 4,5 tỷ đồng, hoặc chịu mức phạt tù lên đến 7 năm khi thực hiện các hành vi trốn thuế. Nếu pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị phạt lên đến 10 tỷ đồng, hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự còn quy định, đối với tội danh trốn thuế, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, hoặc tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Tin cùng chuyên mục