
Còn nhớ, cách nay gần 1 năm, khi Công ước Berne chuẩn bị áp dụng tại Việt Nam, bên cạnh những ý kiến hoan nghênh, chào mừng ngành xuất bản hội nhập với thế giới là những luồng thông tin tỏ ra lo lắng về tính hiệu quả của việc thực thi Công ước Berne trong điều kiện xuất bản Việt Nam hiện nay.

Một vụ in lậu sách giáo khoa bị phát hiện quả tang.
Gần 1 năm qua, bên cạnh những mặt tích cực do Công ước Berne mang lại, hầu hết những điều lo lắng trước đây cũng đã trở thành hiện thực. Sách có bản quyền, được các đơn vị tôn trọng Công ước Berne mua về với giá cao, đầu tư chi phí dịch thuật tốn kém đã bị các đầu nậu sách “luộc” thẳng tay khiến những đơn vị tuân thủ luật bản quyền phải chịu những tổn thất kinh tế trầm trọng.
NXB Trẻ là đơn vị đầu tiên kêu về vấn đề bản quyền vì hàng loạt ấn phẩm ăn khách nhất của mình bị in lậu và bán tràn lan tại các nhà sách lớn trong cả nước. Ngay tại hội sách TPHCM chào mừng 30 năm giải phóng miền Nam, một bộ sách có bản quyền của NXB Trẻ đã được bày bán ngay cạnh một bộ sách khác có nội dung, hình thức gần như y chang nhau, chỉ khác một chữ trong tựa sách.
Công ty Trí Việt, một đơn vị rất năng động trong việc mua bản quyền các loại sách ngoại ngữ, tri thức, kỹ năng cũng đã từng phải than trời vì bị in lậu sách. Mà các loại sách này công ty đều phải mua bản quyền với giá khá cao cùng những điều khoản ngặt nghèo. Ấy thế mà sau những buổi họp báo, sau hàng loạt thông tin của báo chí tình trạng in lậu sách có bản quyền vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Và cho đến nay ngoài những vụ in lậu sách giáo khoa bị phanh phui thì vẫn chưa có một vụ in lậu sách của các đơn vị kinh doanh văn hóa phẩm khác nào bị bắt và nghiêm trị trước pháp luật.
Từ ngày 1-7, Luật Xuất bản mới chính thức có hiệu lực khi nghị định hướng dẫn luật có hiệu lực thi hành. Điều khoản quan trọng nhất, được nhiều người quan tâm trong nghị định lần này là việc xóa bỏ cơ chế xin cho trong lĩnh vực xuất bản lâu nay. Từ nay, đơn vị có trách nhiệm xuất bản chỉ phải nộp tờ đăng ký những ấn phẩm có nhu cầu xuất bản lên Cục Xuất bản, sau 7 ngày Cục Xuất bản sẽ gửi công văn xác nhận đã nhận được tờ đăng ký, sau đó các NXB được toàn quyền thực hiện theo nội dung đã đăng ký. Đơn vị chủ quản và ban lãnh đạo NXB phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của ấn phẩm. Với nghị định này, việc xuất bản đã trở nên thông thoáng hơn nhiều so với trước đây.
Thế nhưng, bên cạnh niềm vui, không thiếu nỗi lo. Bà Quách Thu Nguyệt, Giám đốc NXB Trẻ, trăn trở: “Hồi trước, trở ngại vậy mà sách lậu còn tràn lan, nay dễ dàng hơn không biết sách lậu sẽ ra sao”. Đó cũng là tâm trạng chung của những đơn vị xuất bản làm ăn chân chính khác hiện nay. Công ước Berne và nghị định xuất bản mới đều được hy vọng là những công cụ để đưa ngành xuất bản Việt Nam lên ngang tầm thế giới, đồng thời góp phần mang tới tay bạn đọc những tinh hoa tri thức của nhân loại.
Nhưng chúng mới chỉ được thực hiện một chiều và tất cả những hy vọng tốt đẹp đó sẽ không thể trở thành hiện thực một khi thiếu đi sự kiên quyết trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm. Công ước, nghị định sẽ vẫn chỉ nằm trên giấy một khi quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa phẩm vẫn không được bảo vệ một cách hữu hiệu. Và một khi không thể ngăn chặn các cơ sở, cá nhân vi phạm bản quyền như hiện nay thì khó thể nghĩ tới một ngành xuất bản tiên tiến, chưa nói đến ngang tầm thế giới.
TƯỜNG VÂN