Chỉ khoảng 35% doanh nghiệp Việt Nam biết đến Cộng đồng kinh tế ASEAN

(SGGPO).- Phát biểu tại chương trình “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC” tổ chức sáng nay13-12, tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, AEC sẽ không tạo ra cú sốc nào đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam, vì các cam kết trong AEC tương đương như cam kết trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tương đối phù hợp với đường hướng và khung khổ chính sách của Việt Nam.  

Ông Vũ Tiến Lộc cũng đánh giá, thời điểm tuyên bố về hình thành AEC kể từ ngày 1-1-2016 mới chỉ là điểm khởi đầu chưa phải là “điểm tới”. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội AEC mang lại, các DN Việt Nam cần bền bỉ nỗ lực chuẩn bị trong một thời gian dài và dường như cộng đồng DN các nước khác trong ASEAN đã có nững bước tiến xa hơn Việt Nam khá nhiều.

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN (ISEAS - Singapore), có 90% DN Malaysia, 81% DN Singapore và hơn 50% DN các nước Đông Nam Á khác đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho AEC; với việc mở nhiều khóa đào tạo bắt buộc nhân viên theo học thêm một ngoại ngữ của một trong các nước AEC, nơi DN sắp sửa đặt cơ sở kinh doanh. Trong khi đó, tại Việt Nam, một số điều tra trong khoảng hơn một năm trở lại đây cho thấy, chỉ có một tỷ lệ thấp (khoảng 35%) biết đến AEC.

Theo TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, các DN Việt Nam đang rất lạc quan với triển vọng các FTA mang nhưng lại hầu như chưa nhìn thấy mặt trái của nó. Đa số DN nhìn nhận ASEAN như cơ hội tiếp cận thị trường, gia tăng xuất khẩu, mà lợi ích này trong ASEAN là tương đối hạn chế. Trên thực tế, việc kết nối một “thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất” mới là mục tiêu chính của ASEAN và là lợi ích dài hạn mà các DN trong ASEAN cần nhắm đến. Nguyên nhân của thực trạng trên trước hết là do sự thiếu chủ động nắm bắt thông tin từ phía DN, đặc biệt thông tin cụ thể trong từng lĩnh vực. Những thông tin này sẽ tác động mạnh mẽ đến đến sự dịch chuyển của chuỗi giá trị và đương nhiên là sẽ tác động đến chiến lược kinh doanh của các DN.

Mặc dù vậy, cũng có nhiều điểm mạnh mà các DN Việt Nam đã, đang có và có thể phát huy được trong tương lai. Đó là khả năng bứt phá và khả năng hội nhập nhanh của cộng đồng DN Việt Nam. Các DN Việt Nam cũng chú trọng nhiều đến nền tảng văn hoá, chính vì vậy mà những nét văn hoá tương đồng trong AEC sẽ tạo lợi thế cho các DN Việt Nam đưa ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thị trường ASEAN. Đối với các thị trường EU, Bắc Mỹ, Bắc Á, các DN Việt Nam chủ yếu tập trung vào các hoạt động thương mại, thì đối với thị trường ASEAN, các DN Việt Nam đã có những bước đi toàn diện bằng việc đầu tư trực tiếp. Điều này sẽ giúp các DN Việt Nam có thể đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển chuỗi giá trị trong nội khối ASEAN cũng như tận dụng các yếu tố tổng hợp của ASEAN để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục