Phần lớn người nghèo đang phải chịu gánh nặng chi phí về dịch vụ y tế. Công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế giữa các nhóm dân cư đang là một thách thức lớn.
Khi người nghèo đi viện
Vạ vật cuối hành lang Bệnh viện K Trung ương, chị Nguyễn Minh Thuần ở Nho Quan, Ninh Bình trải vội tấm ni lông nhàu nát để chuẩn bị bữa tối đạm bạc với vài cọng rau, một miếng đậu hũ. Trệu trạo miếng cơm nguội ngắt, chị Thuần nghèn nghẹn: “Gần một tháng nay, em lên đây chăm chồng đang điều trị ung thư dạ dày. Nhà nghèo nên ốm đau là tốn kém lắm, bao nhiêu gia súc, gia cầm ở nhà bán hết mà vẫn chưa đủ để chi trả tiền thuốc thang, hóa chất điều trị. Đã vậy, bệnh tình cũng chưa thuyên giảm”.
Thực sự những tâm tư của chị Thuần cũng là tâm trạng của hàng vạn người nghèo mỗi khi bệnh tật, đau ốm phải đến viện. TS Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, chia sẻ: Điều tra y tế quốc gia về tình hình chăm sóc sức khỏe cho người nghèo ở Việt Nam giai đoạn 2000-2010 cho thấy, mỗi người nghèo đi khám bệnh khoảng 2,9 lượt/năm, ít hơn nhiều so với người có điều kiện kinh tế khá và giàu là 4,7 lượt/năm. “Chính lý do khó khăn về mặt tài chính và chi phí y tế quá đắt đỏ khiến cho có tới 40% người nghèo không dám đi chữa bệnh khi ốm đau…”, TS Kính cho biết.
Bệnh tật, ốm đau thực sự trở thành gánh nặng kinh tế trong cuộc sống nhất là với người nghèo nên họ ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao. Phần lớn họ chỉ dám sử dụng dịch vụ nội trú tại bệnh viện huyện, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã vì không đủ tiền tiếp cận dịch vụ y tế cao hơn. Điều tra mới nhất cho thấy, số người nghèo sử dụng dịch vụ nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh là 23%, chưa bằng một nửa so với người giàu là 51%. Còn đối với các bệnh viện lớn ở trung ương, chỉ có 3,9% người nghèo sử dụng các dịch vụ y tế. Đáng buồn hơn, mặc dù chỉ tiếp cận dịch vụ y tế ở mức thấp nhưng gánh nặng chi phí y tế dồn lên đôi vai người nghèo lại nặng nề nhất trong các nhóm dân cư. Có tới gần 60% số hộ gia đình nghèo mắc nợ do chi phí khám chữa bệnh và 67% phải vay mượn tiền để chi trả điều trị nội trú.
Bất bình đẳng
Chi phí dịch vụ y tế cao đã đẩy nhiều hộ gia đình nghèo rơi vào cảnh kiệt quệ. Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phương, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, mỗi năm cả nước có khoảng 774.000 hộ rơi vào cảnh nghèo đói, chiếm khoảng 3,7% số hộ gia đình Việt Nam vì phải trả chi phí quá lớn cho khám chữa bệnh. Thậm chí, ngay cả khi người nghèo có bảo hiểm y tế hoặc được miễn giảm viện phí, gánh nặng chi trả dịch vụ y tế vẫn là quá lớn, dù mức chi phí này chỉ là một phần rất nhỏ so với người có thu nhập bình thường.
Trước thực trạng trên, TS Dương Huy Liệu, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế y tế Việt Nam thẳng thắn nhận định: Hiện nay, công bằng trong y tế giữa các nhóm dân cư vẫn là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Những nghiên cứu đã chỉ rõ, khả năng tiếp cận dịch vụ và chất lượng dịch vụ được hưởng từ các nhóm dân cư cũng khác nhau. Trong khi ở đồng bằng sông Hồng chỉ có 6,5% người dân phải nằm điều trị nội trú tại trạm y tế xã thì vùng Tây Bắc tỷ lệ này là 12%. Ở nhóm giàu nhất, 99,5% phụ nữ thuộc 20% hộ gia đình giàu nhất được khám thai, còn phụ nữ nghèo chỉ có 73%. Hơn 63% trẻ em dưới 5 tuổi con nhà giàu được điều trị bù nước khi tiêu chảy, trong khi chỉ có 31% trẻ em nghèo được điều trị.
Không chỉ có vậy, chi phí cung ứng dịch vụ y tế trên cùng một loại bệnh có sự dao động rất nhiều giữa các bệnh viện, các tuyến y tế. Thậm chí, ngay cả giữa các cán bộ y tế trong cùng một bệnh viện cũng có sự khác nhau do việc chỉ định lựa chọn sử dụng các loại thuốc, trang thiết bị y tế khác nhau. Dẫn chứng về vấn đề này, TS Liệu cho biết, trong điều trị bệnh viêm phổi trẻ em, một loại bệnh đã có phác đồ chẩn đoán, điều trị chuẩn, qua khảo sát tại 30 bệnh viện đa khoa tỉnh, chi phí điều trị căn bệnh này bình quân là 834.500 đồng/người bệnh. Tuy nhiên, trong 690 hồ sơ được nghiên cứu, trường hợp có chi phí cao nhất gấp… 79 lần trường hợp thấp nhất (7,9 triệu đồng so với 99.000 đồng).
Với những bất cập trên, người nghèo hiện đang gặp rất nhiều khó khăn khi đi viện.
Khánh Nguyễn