Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục giảm so với tháng trước

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10-2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12-2020, Tổng cục Thống kê công bố sáng nay 29-10.
Theo Tổng cục Thống kê, nguồn cung hàng hóa được đảm bảo khiến giá lương thực, thực phẩm trong tháng giảm
Theo Tổng cục Thống kê, nguồn cung hàng hóa được đảm bảo khiến giá lương thực, thực phẩm trong tháng giảm

Lý giải thêm về kết quả này, cơ quan thống kê cho biết, do nhiều địa phương nới lỏng giãn cách giúp lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, nhu cầu tích trữ hàng tiêu dùng của người dân giảm, đồng thời nguồn cung hàng hóa được đảm bảo khiến giá lương thực, thực phẩm trong tháng giảm; nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm khi thời tiết sang thu và giá thuê nhà tiếp tục xuống thấp nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch… là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10-2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12-2020.

Lạm phát cơ bản tháng 10-2021 giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Cụ thể, tốc độ tăng CPI bình quân 10 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2021 lần lượt là: tăng 2,27%; tăng 3,71%; tăng 3,6%; tăng 2,48%; tăng 3,71%; tăng 1,81%. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm nay tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020.

Không ở trong rổ tính CPI, song cơ quan thống kê cho biết thêm, giá vàng trong nước giảm theo giá vàng thế giới. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 10-2021 giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 1,85% so với tháng 12-2020 và giảm 1,82% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10-2021 giảm 0,06% so với tháng trước; giảm 1,2% so với tháng 12-2020 và giảm 1,48% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu mua bán ngoại tệ hạn chế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tin cùng chuyên mục