Chỉ thị 03 của UBND TPHCM: Chấm dứt tình trạng cô nuôi dạy trẻ không có nghiệp vụ

Lo lắng không yên
  • Xây thêm trường công bằng ngân sách

“Chúng tôi đang bị ngộp nước, nhưng nhờ Chỉ thị 03, giống như cái phao bám víu và tháo gỡ những vướng vắc trước đây”. Nhiều đại biểu đã bày tỏ sự vui mừng tại  Hội nghị triển khai Chỉ thị 03 của UBND TPHCM về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các trường, lớp, cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) tại TPHCM tổ chức vào chiều 21-3, do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì.

Lo lắng không yên

Chỉ thị 03 quy định rõ:

- Tháng 3-2008: Phòng Giáo dục quận, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 03 để tham mưu cho UBND quận, huyện.

- Tháng 4-2008: Các quận, huyện điều tra, thống kê số trẻ trong độ tuổi MN, giải quyết dứt điểm những cơ sở không thể điều chỉnh nâng cấp để triển khai xây trường lớp mới.

- Tháng 5-2008: Mở lớp bồi dưỡng  nghiệp vụ cho cô nuôi dạy trẻ. Phấn đấu tháng 8-2008 chấm dứt tình trạng cô nuôi dạy trẻ không có nghiệp vụ.

- Tháng 9-2008: Bảo đảm 100% cơ sở mầm non đều có phép hoạt động khi bước vào năm học mới.

Bà Phạm Thị Thanh Tú, Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp lên “phát pháo” đầu tiên bằng nỗi niềm: “Chúng tôi liên tục kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở MN tư thục (TT) nhưng trong lòng lúc nào cũng lo không biết khi nào xảy ra sự cố”. Từ năm 2002, quận giao nhiệm vụ cho phòng giáo dục và các phường rà soát các cơ sở.

Đối với cơ sở không phép, phân loại thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất đủ điều kiện thì đẩy nhanh việc cấp phép. Nhóm thứ hai tạo điều kiện để cấp phép khi các đơn vị cam kết sẽ bổ sung hoàn chỉnh điều kiện. Nhóm thứ 3 là kiên quyết dẹp, cưỡng chế đối với nhóm không thể nào hoàn chỉnh.

Nhu cầu gửi trẻ ở Gò Vấp rất  lớn, đặc biệt đối với hộ tạm trú, cha mẹ đi làm suốt không ai trông trẻ. MN công lập chỉ nhận trẻ 24 tháng trong khi công nhân phải gửi con mới 4 tháng, 6 tháng. Quy mô cấp trường hoạt động khá tốt, song các nhóm lớp không thể nào yên tâm.

Trong đợt kiểm tra mới đây, Gò Vấp có khoảng 70% nhóm vi phạm các quy định như tuyển sinh vượt so với đăng ký. Một số cơ sở có biển quảng cáo không đúng thực tế. Bà Hoàng Thị Hồng Hải, Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Phú cho biết thêm: “Biến động giáo viên (GV) ở MN ngoài công lập cực kỳ lớn. Khi làm hồ sơ, các cơ sở có đầy đủ GV nhưng chỉ qua một thời gian ngắn, GV đủ trình độ “bay” mất. Học phí thu theo thu nhập của dân nên nơi nào trả lương cao, GV đầu quân cho nơi đó.

Không chỉ nhiều PHHS hoang mang khi gửi con ở trường tư mà chính những người trong ngành GD dù kiểm tra liên tục các cơ sở MN tư nhân cũng lo lắng không yên.  TPHCM có 267 trường tư, 735 nhóm lớp tư thục, nuôi dạy hơn 100.000  trẻ, chiếm gần 50% trẻ. Số lượng trẻ gửi ở tư nhân cao hơn tập trung đông nhất ở các quận ven. Biên chế cho chuyên viên phòng MN quá ít, như quận Bình Thạnh có 12 trường tư thục và 100 nhóm lớp nhưng chỉ có một người phụ trách MN tư thục nên việc kiểm tra được một đại biểu ví von “cưỡi ngựa xem hoa”.

Tháo gỡ để phát triển

Theo Nghị quyết 05 của Chính phủ về xã hội hóa giáo dục bậc học MN, việc xây trường chỉ tập trung cho tiểu học và trung học, trong khi nhu cầu gửi trẻ MN đang thiếu nghiêm trọng. Với Chỉ thị 03 của UBND TPHCM, bà Trần Thị Ngọc Anh, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh bày tỏ vui mừng: “Bình Thạnh có 4 điểm xây trường MN công lập trên quỹ đất tốt, nhưng theo Nghị quyết 05 phải vay kích cầu hay kêu gọi đầu tư, dẫn đến mức học phí cao khiến lòng dân không yên.

Nhờ chỉ thị này, những vấn đề lúng túng trong xây trường đã được tháo gỡ. Chúng tôi mạnh dạn xác định đất xây trường. UBND đã thuận về chủ trương cho sử dụng vốn ngân sách xây trường ở khu vực chưa có trường MN công lập”. Lãnh đạo quận Bình Thạnh khoe: “Phường 13 có quỹ đất với diện tích 6.300 m2, có thể xây trường đẹp nhất TP”. Trong khi đó, nhiều quận lo lắng: “Nếu đặt nặng vấn đề quỹ đất chuẩn rộng 5.000 m2 mới được xây trường MN thì việc xây trường sẽ không khả thi vì  nội thành quỹ đất hạn hẹp”.

Chỉ thị 03 khuyến khích các khu công nghiệp và khu chế xuất (KCN, KCX), các công ty, xí nghiệp xây trường MN mà theo ông Nguyễn Thanh Triều, Phó Chủ tịch UBND quận 7: “Lẽ ra khi hình thành các KCN, KCX phải có các điều kiện kèm theo như nhà lưu trú, trường MN cho con công nhân, giống như mô hình Cảng Sài Gòn, quận 4 trước đây”.

Bà Hoàng Thị Hồng Hải, Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Phú đề nghị: TP cần có cơ chế buộc chủ đầu tư khi xây dựng chung cư, KCN, KCX phải có trường MN. Nếu chưa xây trường được thì điều tiết tiền từ lợi nhuận hỗ trợ công nhân gửi con. Bên cạnh đó là chính sách ưu đãi về đất, vốn, miễn thuế cho doanh nghiệp xây trường. “Có nhiều người tâm huyết muốn xây trường MN nhưng họ không có quỹ  đất, đầu tư trường lại thu hồi vốn chậm nên chưa hấp dẫn được doanh nghiệp”.

Bà Nguyễn Thị Huyền Nhung, Sở Kế hoạch – Đầu tư nhấn mạnh: “14 trường MN công lập ở những địa bàn chưa có trường và 22 trường MN khác theo đề xuất của các quận, huyện cần phải có địa điểm cụ thể.  Một số nơi chưa có địa chỉ, phương án đền bù, giải tỏa, mức đầu tư dự án. Các quận, huyện cần khẩn trương lập dự án để Sở Kế hoạch – Đầu tư trình với UBND TP vào tháng 6-2008 này.

Hồng Liên

  • Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà:

Bên cạnh “điểm son” của GDMN TPHCM, gần đây, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nuôi dạy trẻ ở các trường lớp, cơ sở giáo dục mầm non, nhất là cơ sở mầm non ngoài công lập chưa được chặt chẽ, thiếu đồng bộ, có nơi buông lỏng, do vậy đã xuất hiện tình trạng tỷ lệ trẻ trong một lớp học, nhóm học cao hơn so với quy định. Chất lượng nuôi dạy trẻ chưa được quan tâm kiểm tra, giám sát thường xuyên; công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cô nuôi dạy trẻ, người làm công tác cấp dưỡng chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng; chính sách chăm lo cho giáo viên chậm điều chỉnh; cơ sở vật chất tại một số phường - xã sau khi chia tách chưa được đầu tư đúng mức. Một số hiện tượng bạo hành đối với trẻ, tuy không phổ biến nhưng đã gây bức xúc trong dư luận.

Tin cùng chuyên mục