Mỗi lần trang Nhịp cầu nhân ái Báo Sài Gòn Giải Phóng có bài viết về bệnh nhân ung thư hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các bệnh nhi, thì lại nhận được sự đặc biệt quan tâm, đóng góp từ các bạn đọc hảo tâm và cộng đồng xã hội. Sự quan tâm đó đã tiếp thêm sức mạnh để các bệnh nhân ung thư có thể chiến đấu với bệnh tật, giành giật sự sống từng ngày.
Trong số những bạn đọc, doanh nghiệp hảo tâm thường xuyên đến Báo SGGP đóng góp giúp bệnh nhân ung thư, có Công ty TNHH Xây dựng dịch vụ kỹ thuật Viễn Đông (phường Tân Định, quận 1). Ngoài góp tiền giúp những người cơ nhỡ, bệnh nan y… được đăng trên báo, tuần nào Công ty Viễn Đông cũng đóng góp thêm 1 triệu đồng để giúp bệnh nhân ung thư và giúp bếp ăn từ thiện của bệnh viện có thêm kinh phí nấu ăn phục vụ bệnh nhân nghèo. Công ty TNHH Sản xuất thương mại dược phẩm Thành Nam (phường Tân Định, quận 1) và Công ty cổ phần Vận tải giao nhận và thương mại Quang Châu (đường Phan Văn Trị, phường 12, quận Bình Thạnh) cũng đóng góp hàng tháng 2 triệu đồng giúp bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Ngoài những đơn vị trên, các bạn đọc Thanh Nhàn, bà Mai Thị Mỹ Dung (phường Tân Thành, quận Tân Phú)… cũng thường xuyên đóng góp tiền giúp người nghèo bệnh ung thư có thêm điều kiện để chữa bệnh, kéo dài sự sống.
Nhận sự ủy thác của các bạn đọc, Ban Chương trình Xã hội Báo SGGP đã tiếp nhận thông tin từ các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM và tiến hành xác minh để có cơ sở đề xuất hỗ trợ hợp lý, chính xác và đúng đối tượng. Trong 5 năm gần đây, số tiền bạn đọc đóng góp giúp bệnh nhân ung thư lên đến hàng trăm triệu đồng. Chúng tôi đã lần lượt xét hỗ trợ hơn 100 bệnh nhân nghèo không có điều kiện chữa bệnh, mỗi trường hợp từ 1 đến 3 triệu đồng. Trong đợt xét lần này, có 4 bệnh nhân nghèo, bệnh nặng, hoàn cảnh cũng đặc biệt khó khăn.
Bé Kim Trần Bích Hữu nhận tiền bạn đọc Báo SGGP giúp đỡ
Bệnh nhân Huỳnh Thị Rằng (76 tuổi, ở ấp Ba Động, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, Trà Vinh) bị ung thư tử cung đã di căn. Hoàn cảnh bà Rằng hết sức khó khăn, chồng chết, con bị nhiễm chất độc da cam, không có ruộng đất canh tác, các con của bà đều nghèo, không thể giúp mẹ chữa bệnh nên bà phải đi vay mượn khắp nơi để điều trị bệnh. Chị H’baih Hmok (40 tuổi, ở xã Dur Kmăl, huyện Krông A Na, Đắk Lắk) bị ung thư vú. Gia đình cũng thuộc diện hộ nghèo, mặc dù có bảo hiểm y tế hộ nghèo nhưng chi phí mua thuốc điều trị ngoài danh mục bảo hiểm và tiền ra vào bệnh viện tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ là gánh nặng đối với gia đình người dân tộc Ê đê này. Bé Kim Trần Bích Hữu (7 tuổi, dân tộc Khmer, ở xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long) hoàn cảnh cũng rất thương tâm vì bị bệnh ung thư máu từ năm 3 tuổi. Từ khi biết con bị bệnh ung thư, cha cháu đã bỏ đi để mặc hai mẹ con chống chọi bệnh tật hiểm nghèo trong hoàn cảnh neo đơn, không thể lao động kiếm tiền được. Suốt 4 năm chữa bệnh cho con, chị đã vay nợ lên đến 90 triệu đồng, không biết khi nào mới trả xong mà bệnh của con còn phải điều trị lâu dài, tốn kém. Cả ba bệnh nhân này, Báo SGGP đã kịp thời hỗ trợ mỗi trường hợp 3 triệu đồng. Riêng trường hợp bệnh nhân Phan Thị Tuyết (ở xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai, Bạc Liêu) bị ung thư tử cung nhưng đã qua giai đoạn duy trì, cứ 3 tháng phải lên bệnh viện tái khám một lần. Gia đình cũng khó khăn, phải đi vay mượn nhiều nơi để có thể đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ nên bạn đọc Báo SGGP giúp 2 triệu đồng.
Còn rất nhiều bệnh nhân nghèo, không có điều kiện chữa bệnh tìm đến Báo SGGP và các cơ quan báo chí khác nhờ trợ giúp để có điều kiện chữa bệnh, nhưng do số tiền bạn đọc đóng góp có giới hạn, chúng tôi rất xót xa mà chưa tìm được nguồn kinh phí để giúp hết tất cả bệnh nhân có đơn gửi đến báo. Để có thể giúp đỡ, động viên và chăm lo cho những bệnh nhân nghèo có thêm điều kiện chiến thắng bệnh tật, Báo SGGP tha thiết mong chờ tiếp tục nhận được sự chung tay của bạn đọc và những tấm lòng từ tâm trên khắp mọi miền đất nước. Xin ghi nhận tấm lòng vàng của bạn đọc! |
ĐẶNG NHUNG