Mức tăng sẽ từ 13% lên 15%, được áp dụng từ năm 2021, căn cứ trên thu nhập định kỳ và linh hoạt liên quan đến công việc (bao gồm tiền lương và cổ tức). Văn bản đã được công bố trên cổng thông tin pháp lý chính thức. Theo dự kiến, việc tăng từ thuế với mức thu nhập trên 5 triệu rouble sẽ mang lại 190 tỷ rouble (2,57 tỷ USD) cho ngân sách Nga trong 3 năm tới. Số tiền này được lên kế hoạch chi cho chương trình phúc lợi như việc điều trị trẻ em mắc các bệnh hiểm nghèo hiếm gặp. Đây được xem là động thái đầu tiên của Nga nhằm thoát khỏi hệ thống thuế cào bằng được áp dụng suốt 19 năm qua. Hệ thống thuế được áp dụng vào năm 2001 từng là một trong những cải cách lớn về thuế trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Vladimir Putin. Các sửa đổi đối với hệ thống thuế này đã được thảo luận trong vài năm, trong đó có cả khả năng giảm thuế đối với những người có thu nhập thấp.
Theo Giám đốc Trung tâm Chính sách Khu vực - Học viện Kinh tế Quốc gia và Hành chính công Nga Vladimir Klimanov, việc thắt chặt chính sách thuế là không thể tránh khỏi trong giai đoạn hiện nay vì không chỉ liên bang mà chính quyền khu vực cũng phải đối mặt với thâm hụt ngân sách. Giới chuyên gia lưu ý rằng, thuế được tăng công bằng và không có rủi ro đối với sự ổn định tài chính của đất nước. Việc tăng thuế đã dựa trên những tính toán rất kỹ lưỡng, mức thuế suất mới dành cho người thu nhập cao cũng không gây ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế. Mức áp thuế được công bố trong bối cảnh nước Nga đang trong giai đoạn kinh tế trì trệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tổng thống Putin vừa ký thông qua một đạo luật ngân sách liên bang năm 2021 và cho kế hoạch giai đoạn 2022 - 2023. Đạo luật ngân sách này được soạn thảo dựa trên những dự báo phát triển kinh tế - xã hội của Nga và dự báo về sự phục hồi chậm chạp của kinh tế toàn cầu do những hạn chế kéo dài được áp đặt để ngăn chặn dịch Covid-19.
Theo dự báo, nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2021, 3,4% trong năm 2022 và 3% trong năm 2023. Toàn bộ giai đoạn này, lạm phát không vượt quá 4%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến đạt khoảng 1.500 tỷ USD trong năm 2021, đạt 1.700 tỷ USD vào năm 2022 và 1.800 tỷ USD vào năm 2023. Trong khi đó, doanh thu ngân sách liên bang trong các năm 2021, 2022 lần lượt là 256 tỷ USD, 280 tỷ USD. Chi tiêu ngân sách sẽ lần lượt là 293 tỷ USD, 298 tỷ USD. Điều này có nghĩa thâm hụt ngân sách dự kiến lần lượt ở mức 37,5 tỷ USD, 17,03 tỷ USD.
Nhận định về kinh tế Nga trong giai đoạn hiện nay, Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov cho biết dịch Covid-19 đã kìm hãm sự phát triển của Nga tới 1 năm rưỡi. Dịch bệnh gây ra những tác động khác nhau đối với mỗi ngành nghề, đặc biệt là ngành vận tải, lĩnh vực kinh doanh nhỏ và những người làm dịch vụ. Theo Phó Thủ tướng Nga Andrei Belousov, đại dịch đã làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội liên quan đến nạn thất nghiệp. Một trong những khó khăn cũng chính là thâm hụt ngân sách. Giới chuyên gia nhận định hiện nay, tình hình kinh tế Nga phụ thuộc hoàn toàn vào quy mô của làn sóng Covid-19 thứ hai và khả năng tái áp đặt các biện pháp kiểm dịch.