Chiếc cầu nghĩa tình

Bí thư Đảng ủy xã Phong Phú Huỳnh Cao Cường xuất thân là cán bộ Đoàn. Vậy nên, khi anh được Huyện ủy Bình Chánh (TPHCM) phân công về làm lãnh đạo xã, Huỳnh Cao Cường nghĩ ngay đến việc phát huy sức trẻ ở cơ sở.
Chiếc cầu nghĩa tình

Bí thư Đảng ủy xã Phong Phú Huỳnh Cao Cường xuất thân là cán bộ Đoàn. Vậy nên, khi anh được Huyện ủy Bình Chánh (TPHCM) phân công về làm lãnh đạo xã, Huỳnh Cao Cường nghĩ ngay đến việc phát huy sức trẻ ở cơ sở.

Anh kể lại: “Thời may lúc giữa năm 2013, có đoàn sinh viên Mùa hè xanh về xã. Khi các bạn sinh viên về, tôi chia thành 4 nhóm ban ngày làm, ban đêm sinh hoạt tại nhà văn hóa, trụ sở UBND xã. Riêng phần ăn uống, Đảng ủy vận động các đồng chí lãnh đạo có nhà gần đó lo cho sinh viên, ai nấy đều ủng hộ”. Nhờ gần gũi và biết tâm tư sinh viên, anh Cường đã cùng họ xắn tay vào đắp một con đường đất ở giữa xóm Gò (vốn là một ốc đảo giữa sông và nối với đất liền bởi chiếc cầu xóm Gò duy nhất - đã khánh thành đầu năm 2013). Mỗi tối trước khi kết thúc công việc, Cường cùng những bạn trẻ sinh hoạt văn nghệ, rồi thì lửa trại, ăn cháo khuya… Những động viên về tinh thần tưởng chừng nhỏ bé đã tiếp thêm năng lượng cho anh em hăng hái làm việc. Cuối chiến dịch Mùa hè xanh, một đoạn đường đất dài gần 100m hình thành với sự góp sức chủ lực của sinh viên tình nguyện và đoàn viên thanh niên xã Phong Phú.

Đi lại khó khăn do cách trở đò giang, ước mơ về một cây cầu là điều bà con mong mỏi nhất. Nhận được đề nghị của dân, Đảng ủy xã Phong Phú cử các đồng chí có uy tín đi vận động kinh phí. Ròng rã gần 3 tháng, nhiều thông tin tốt “bay về” với nguồn kinh phí vận động được là 98,9 triệu đồng từ Hội Chữ thập đỏ quận 5 và Hội quán Tuệ Thành (quận 5). Khó khăn đầu tiên mà họ gặp phải là nguyên vật liệu hầu hết phải chở bằng ghe vì tuy đã có đường đất nhưng đường rất hẹp, lại lầy lội, mà vật liệu thì cồng kềnh. Các đảng viên trong Chi bộ ấp 1 vận động nhiều nông dân có ghe tình nguyện chuyên chở miễn phí. Kế đến là nhân công, do thiếu kinh phí nên nhóm thi công chỉ có thể lo tiền bồi dưỡng cho thợ làm cầu. Vậy nhưng khi họp dân để nêu sự việc, đã có cả chục cánh tay xung phong làm thợ xây cầu dù bà con xóm Gò không ai nhiều chữ nghĩa. Có thể kể các cái tên như thợ hàn Bảy Quy đã 54 tuổi, thợ trộn bê tông Ba Rễ gần lục tuần, thợ sắt Chín Nghĩa… Mỗi buổi nghỉ trưa, những thím Tư, dì Năm, bà Chín gần đó mang những ang cơm nóng hổi, kèm với mắm còng và chùm bần chua hái gần đó cho nhóm thợ ăn ngon lành. Người nông dân Phong Phú vốn chịu cực chịu khó, lại hay lam hay làm nên buổi cơm nào bà con cũng phải góp thêm gạo. Ai cũng mong chiếc cầu sớm nối nhịp đôi bờ nên nhà nào có thức gì ngon, dù chỉ là nồi tóp mỡ kho quẹt, hay mớ rau mồng tơi nấu cua đồng… đều mang ra chiêu đãi.

Bí thư Huỳnh Cao Cường vui vẻ: “Chỉ trong 1 tháng thi công, chiếc cầu dài 18,4m, rộng 1,3m (ảnh) đã hoàn thành trong niềm vui của bà con làm chúng tôi rất xúc động. Đúng là chiếc cầu nghĩa tình, khó đến mấy, dân liệu cũng xong”.

MINH ANH

Tin cùng chuyên mục