Điều tra theo thư bạn đọc

Chiếm đất quốc phòng, xây dựng trái phép tràn lan

Đất công mạnh ai nấy chiếm
Chiếm đất quốc phòng, xây dựng trái phép tràn lan

Tại khu vực “Ngã ba đồn” thuộc ấp 3 và ấp 5 xã Đông Thạnh huyện Hóc Môn TPHCM, có hàng trăm hộ dân ngang nhiên bao chiếm, xây cất nhà cho thuê, xây hàng quán kinh doanh. Còn chính quyền địa phương thì tỏ ra bất lực (!?).

Đất công mạnh ai nấy chiếm

Chiếm đất quốc phòng, xây dựng trái phép tràn lan ảnh 1

Một căn nhà đang xây dựng trái phép lấn chiếm đất quốc phòng thuộc ấp 5 xã Đông Thạnh huyện Hóc Môn. Ảnh: SONG PHA

Nhiều bà con ở khu vực nói trên phản ánh với đường dây nóng Báo SGGP rằng từ đầu tháng 7-2008, tại đây rộ lên tình trạng xây dựng nhà trái phép, lấn chiếm đất công trên đường Đặng Thúc Vịnh, Bùi Công Trừng.

Người dân kéo đến mua đất, tự phân lô rồi cất nhà, lập cơ sở kinh doanh một cách rầm rộ. Điều khiến người dân ở đây thắc mắc là tình trạng lộn xộn này diễn ra trong thời gian dài nhưng không thấy chính quyền địa phương đến kiểm tra, xử lý. Xác minh điều người dân bức xúc, chúng tôi nhận thấy nhiều căn nhà tại khu vực này đang được xây dựng một cách vội vã.

Tại đường Đặng Thúc Vịnh thuộc ấp 3, nhiều căn nhà xây dựng trái phép đang hoàn thiện phần sơn nước nhưng đã treo bảng “nhà cho thuê”. Gần kề đó, có một khu đất rộng gần 200m2 thuộc đất công vừa được san lấp mặt bằng, lắp ráp khung kèo nhà xưởng. Ông Nguyễn Văn Xuân - Trưởng ấp 3 xã Đông Thạnh cho biết, khu vực xây dựng trái phép mà bà con phản ánh là đất quốc phòng nhưng không hiểu sao mới đây một số người như ông Thái Văn H., bà Nguyễn Thị L., lại đứng ra bao chiếm đất, phân lô và bán giấy tay cho các hộ khác. Mỗi nền được rao bán với giá vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng (tùy theo diện tích lớn nhỏ, từ 40 – 100m2). Có hộ bao chiếm đất xây lên hàng chục căn nhà rồi bán lại cho người khác.

Tìm đến đường Bùi Công Trừng thuộc ấp 5 cắt ngang đường Đặng Thúc Vịnh, chúng tôi cũng nhận thấy nhà cửa xây dựng trái phép nằm san sát nhau, thậm chí có căn đang đổ bê tông kiên cố ngay trên đất công. Ông Đào Văn Hùng - Phó ban Nhân dân ấp 5 cũng bức xúc: “Tình hình xây dựng trái phép trên đất quốc phòng diễn ra khá phức tạp và địa phương không quản lý nổi do các hộ này sang nhượng lén lút bằng giấy tay, đối tượng mua đất cất nhà ở đây chủ yếu là dân nhập cư từ nơi khác đến.

Ban Nhân dân ấp đã báo cáo cho UBND xã Đông Thạnh về các trường hợp xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công để có hướng xử lý”. Anh Hồ Nhật Tường - Tổ Thanh tra xây dựng xã Đông Thạnh cũng than thở: “Cứ tới kiểm tra thì chủ công trình tránh mặt nên những hồ sơ lập biên bản vụ việc đều nằm trong diện vắng chủ. Khi lực lượng kiểm tra rút đi thì chủ nhà lập tức “đưa quân” ra xây tiếp. Nếu thanh tra xây dựng địa phương kiểm tra làm căng thì họ chuyển sang làm đêm. Với thực lực quá mỏng, lực lượng kiểm tra xây dựng chúng tôi không đủ sức làm. Khi công trình xây dựng xong, một số chủ công trình vi phạm đứng ra cam kết: khi nhà nước có yêu cầu, họ sẽ tháo dỡ ngay để trả lại đất công”.

Theo UBND xã Đông Thạnh, tính đến nay trên khu vực đất quốc phòng rộng trên 5 ha, đã có 116 hộ lấn chiếm xây dựng nhà. Xã đội Đông Thạnh cho biết thêm, có 9 quán kinh doanh cà phê, 2 quán nhậu, 1 cơ sở chế biến gỗ, 1 cơ sở than tổ ong, 1 điểm trung chuyển sữa bò tươi, 1 điểm kinh doanh trò chơi trẻ em và 1 cửa hàng sắt bao chiếm đất quốc phòng lập cơ sở kinh doanh. Hiện tại tình hình an ninh trật tự khu vực này khá phức tạp vì đa số dân nhập cư từ nơi khác đến sinh sống, mở quán buôn bán, cho thuê mặt bằng không xin phép. Điều này gây khó khăn cho việc quản lý giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Lực bất tòng tâm

Sau giải phóng, UBND TPHCM đã có quyết định giao khu đất nêu trên cho Sư đoàn F367 sử dụng làm trận địa chiến đấu bảo vệ TP. Đến năm 1983, đơn vị rút khỏi trận địa nhưng khu đất này lại không bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, không cắm ranh mốc. Vào thời điểm này, một số hộ dân đã tự ý đến ở và canh tác với lý do là đất của thân tộc. Thấy đất “vắng chủ”, nhiều hộ khác cũng kéo đến tham gia lấn chiếm đất công, phá vỡ các công trình quân sự để xây dựng nhà ở, sang nhượng trái phép kiếm lời.

UBND xã Đông Thạnh đã nhiều lần có công văn yêu cầu đơn vị chủ quản phối hợp với địa phương giải quyết dứt điểm nhưng chưa có hướng tích cực giải quyết tình trạng này. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh (Hóc Môn) nêu cái khó: “Chính quyền địa phương đã nhiều lần lập biên bản đối với các hộ vi phạm lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép nhưng không xử lý được do khu đất trên không thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. Vì là đất quốc phòng, việc cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép chỉ được thực hiện khi có sự thống nhất của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và UBND TP.

Để quản lý địa bàn, chính quyền địa phương vừa có báo cáo kiến nghị lãnh đạo TPHCM sớm chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng xây dựng trái phép trong khu vực đất quân sự - quốc phòng, nên có quyết định giao trách nhiệm cho một cơ quan quản lý để tránh việc đùn đẩy trách nhiệm như đang xảy ra.

Trần Thanh

Tin cùng chuyên mục