Để hỗ trợ kế hoạch này, Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất các biện pháp bao gồm ưu đãi thuế cho đầu tư và các sáng kiến nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh. Hàn Quốc đặt mục tiêu tăng khả năng tự cung cấp nguyên liệu, linh kiện, thiết bị thiết yếu cho sản xuất chip lên 50% vào năm 2030. Hiện nước này "thống trị" việc sản xuất chip nhớ DRAM và NAND dùng để quản lý và lưu trữ dữ liệu trên các thiết bị PC, điện thoại thông minh và thẻ SD, chiếm thị phần toàn cầu trên 60%. Hàn Quốc đặt mục tiêu tăng thị phần chip và bộ xử lý khác. Samsung cũng đang tìm cách vượt qua vị trí dẫn đầu của Công ty sản xuất chip Đài Loan (TSMC) về sản xuất tấm wafer, là những đĩa mỏng được tạo thành từ vật liệu bán dẫn, chủ yếu là silicon, đóng vai trò là chân đế của các cụm chip. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết, cụm công nghiệp lớn đầy tham vọng dự kiến sẽ tạo ra gần 3,5 triệu việc làm. Để đạt được điều này, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng năng lượng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng của ngành bán dẫn.
Cụm công nghiệp sản xuất chip của Hàn Quốc bao gồm nhiều khu công nghiệp khác nhau ở tỉnh Kyunggi, với tổng diện tích 21.000ha, tương đương diện tích của gần 30.000 sân bóng đá. Đến năm 2047, kế hoạch yêu cầu bổ sung thêm 16 cơ sở sản xuất chip để bổ sung cho 19 cơ sở hiện có. Trước mắt, 3 nhà máy sản xuất và 2 cơ quan nghiên cứu chip dự kiến hoàn thành vào năm 2027.
Theo Bộ Công nghiệp Hàn Quốc, Samsung và SK Hynix có kế hoạch sản xuất 7,1 triệu tấm wafer mỗi tháng vào năm 2030. Samsung Electronics dự kiến đầu tư 500.000 tỷ won (375 tỷ USD) vào cụm công nghiệp nói trên, phân bổ 360.000 tỷ won cho 6 cơ sở sản xuất mới ở Yongin, nằm cách Seoul 33km về phía Nam. Ngoài ra, 120.000 tỷ won sẽ được Samsung dùng để xây dựng 3 nhà máy mới tại khu liên hợp sản xuất Pyeongtaek, nằm cách Seoul 54km về phía Nam, cùng với 3 cơ quan nghiên cứu ở Giheung. SK Hynix sẽ đóng góp 122.000 tỷ won để xây dựng 4 nhà máy mới ở Yongin. Năm 2023, Hàn Quốc xuất khẩu hàng hóa bán dẫn trị giá 129 tỷ USD, chiếm khoảng 19% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Việc giảm sản lượng chip quốc gia sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Hàn Quốc. Mỹ cũng đang nhanh chóng thành lập các cơ sở sản xuất chip với mức trợ cấp 52,7 tỷ USD.
Đồng thời, Trung Quốc đang thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn trong nước sau khi Mỹ hạn chế nghiêm ngặt xuất khẩu chất bán dẫn. Nhật Bản cũng không đứng yên khi cụm nhà máy sản xuất chip hợp tác giữa TSMC và Sony đang được xây dựng trên đảo Kyushu của nước này. Nhờ giấy phép đặc biệt vô thời hạn, các nhà sản xuất Hàn Quốc đến nay đã được miễn trừ các hạn chế nhập khẩu vào Mỹ và được phép xuất khẩu thiết bị, máy móc sang Trung Quốc. Nhà máy sản xuất chip nhớ NAND của Samsung và của SK Hynix ở Trung Quốc được hưởng lợi từ điều này.