Chiều sâu của thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là phục vụ ngày càng tốt hơn việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân

Ngày 12-3, Ban Chỉ đạo TPHCM về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức phiên họp đầu năm để triển khai chương trình công tác năm 2024. Đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo TPHCM về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, chủ trì cuộc họp.

Bố trí lớp thế hệ mới tham gia tại cơ sở sau sáp nhập khu phố, ấp

Tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Bạch Mai đã trình bày dự thảo chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo TPHCM về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; việc kiện toàn tổ chuyên viên giúp việc của Ban Chỉ đạo cũng như xin ý kiến về việc chọn địa phương tổ chức học tập kinh nghiệm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Trên cơ sở những gợi ý sâu sát của đồng chí Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc, các đại biểu đã thảo luận, hiến kế để Ban Chỉ đạo xây dựng nội dung hoạt động năm 2024 có trọng tâm, trọng điểm.

6hh00608-3401.jpg
Quang cảnh cuộc họp

Trong đó, nhiều đại biểu đã đề cập đến việc sáp nhập khu phố, ấp mà TPHCM đang triển khai. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, sau sáp nhập sẽ có hàng loạt thay đổi như: số lượng khu phố lớn hơn, đội ngũ cán bộ tại khu phố sẽ đông hơn, có trình độ và cơ chế vận hành đổi mới. Đồng chí khẳng định thành phố sẽ mời gọi, bố trí một lớp thế hệ mới tham gia tại cơ sở, do đó phải tăng cường giám sát việc thực hiện khu phố, ấp cũng như sâu sát hơn để hiểu được vai trò của các đồng chí ở khu phố. Cùng với đó, TPHCM thực hiện chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND, do đó, trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phải quy định trách nhiệm giải trình; giám sát công tác giải quyết đơn thư phản ánh, khiếu nại…

Ở góc độ khác, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Trần Thế Thuận cho biết, TPHCM hiện có rất nhiều phong trào có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, nhiều ngày kỷ niệm trong năm, nhiều lễ hội và có tới 1.785 quy ước được phê duyệt. Mặt khác, TPHCM có đặc điểm là một khu phố có người dân đến từ nhiều vùng miền, có nhiều dân tộc, tôn giáo. Tuy nhiên, với các phong trào, ngày kỷ niệm, lễ hội và nhiều quy ước nhưng tại sao quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở, tiếng nói, sự tham gia của người dân trong đóng góp cho chính quyền, cho Đảng, kể cả cho các tổ chức chính trị - xã hội còn nhiều hạn chế.

6hh00522-2129.jpg
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại cuộc họp

“Phải chăng khi làm quá nhiều lại thiếu đi sự khái quát, nhìn nhận và đánh giá tổng hợp cũng như thiếu sự gắn bó chặt chẽ giữa các phong trào, đoàn thể, tổ chức xã hội”, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Trần Thế Thuận nói. Trên cơ sở đó, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM kiến nghị Ban Chỉ đạo tham mưu Thành ủy, UBND, HĐND có cái nhìn mang tính chất tổng quan để đánh giá hiệu quả của tất cả các phong trào, trên cơ sở đề ra chương trình hành động thực hiện quy chế dân chủ cơ sở thì người dân dễ hình dung, dễ thực hiện và chúng ta lượng hoá được chất lượng, kết quả thông qua các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể.

Hoàn thiện quy chế hoạt động trên cơ sở liên thông nhiều phong trào

Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh đến 6 quy tắc để thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo quy định pháp luật. Đó là, bảo đảm quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đó còn là thực hiện dân chủ ở cơ sở trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động. Là bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở; tôn trọng ý kiến đóng góp của nhân dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của nhân dân.

6hh00605-2403.jpg
Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo TPHCM về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phát biểu chỉ đạo

Thống nhất với các nội dung Ban Chỉ đạo đã đề xuất cũng như các ý kiến góp ý của thành viên Ban Chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Phước Lộc yêu cầu tiếp tục nghiên cứu sâu các nội dung thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở những năm qua để rút kinh nghiệm và xây dựng nhiệm vụ trọng tâm sát thực tiễn.

Đồng chí lưu ý, Ban Chỉ đạo Thành phố hiệp đồng, hiệp lực, thống nhất chủ trương và điều phối nội dung hoạt động nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Theo đó, phải đảm bảo cơ chế vận hành trên nền tảng chính trị. Đó là rà soát, hoàn thiện quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo gắn liền với việc rà soát liên thông hoạt động những nội dung, phong trào có tính chất tương đồng để phối hợp đồng bộ, thống nhất. Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cũng phải gắn liền với triển khai nắm sát và phản ánh tình hình nhân dân của hệ thống chính trị; liên thông việc giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

Song song với đề xuất cơ chế, Ban Chỉ đạo TPHCM cũng tập trung tìm kiếm các điển hình để kịp thời biểu dương, khen thưởng; định hướng những nội dung, hình thức, phương pháp mang tính định hướng để cấp ủy các cấp lãnh đạo chính quyền các cấp và tổ chức, địa phương cơ quan, đơn vị căn cứ triển khai thực hiện. Đồng thời có các biện pháp nâng cao năng lực, tích hợp nội dung của các ngành, đảm bảo phong phú về giải pháp để nâng cao năng lực toàn diện, có cơ chế vận hành trong thực tế khi thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đồng chí nhấn mạnh, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phải có chiều sâu để phát huy được quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Qua đó, tạo sự dân chủ ở cơ sở; ở trong các cơ quan, tổ chức đơn vị, ở các tổ chức doanh nghiệp và các tổ chức khác có sử dụng lao động ở khu vực ngoài nhà nước.

Tin cùng chuyên mục