
Ở Madras, miền Nam Ấn Độ, có tới gần 1 triệu trẻ em sống trong các khu ổ chuột. Phần lớn các em đều phải lao động kiếm tiền từ khi còn rất nhỏ, có khi 5, 6 tuổi.

Trẻ em nghèo ở Ấn Độ
Các em chỉ biết đến một thế giới khác hẳn khi có đại diện của Aronadhaya, hiệp hội chống cưỡng bức lao động trẻ em, đến nói rằng các em có thể đến trường học. Các thành viên của Aronadhaya luôn tâm niệm “Trẻ em có quyền hiểu biết về quyền của các em và từ đó, các em có thể suy nghĩ, hành động để cải thiện địa vị xã hội và môi trường sống của chính mình”.
Tuy nhiên, để thuyết phục các bậc phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của việc đến trường trong khi thu nhập hàng tháng của họ còn chưa đủ ăn quả thật rất khó. Chính vì muốn yên tâm rằng các em tiếp tục được đến trường mà không bị các bậc cha mẹ bắt đi làm lại, “Children’s club” (CLB trẻ em) đã ra đời.
Hiện ở Madras đã có 24 CLB, mỗi CLB có 1 chủ tịch nhiệm kỳ 6 tháng. Mỗi tháng, CLB nhóm họp một lần để thảo luận về những vấn đề liên quan đến quyền trẻ em như tục tảo hôn đối với các bé gái, vấn đề nước sạch, làm đường hoặc tìm sân chơi cho các em… Từ những đánh giá nhu cầu và cơ sở thực tế, CLB sẽ tiến hành những bước vận động quan chức địa phương.
Thời gian đầu, công việc thuyết phục rất khó khăn vì dân cư ở các khu ổ chuột luôn bị coi thường. Có khi mùa khô đến, các giếng nước đều cạn. Các CLB đã không ngại gửi thư ngỏ tới công ty cấp nước và kêu gọi cả chính quyền trong vùng. Lúc đầu, tất cả đều từ chối. Nhưng rồi các em vẫn kiên trì gửi thư hàng tuần, thậm chí gửi lên cả Tổng thống Ấn Độ cho đến khi có được nước sạch. Tương tự, các em cũng đấu tranh khá vất vả để có một con đường trải nhựa sạch sẽ phẳng đẹp hay một sân chơi riêng.
Sự cần mẫn, quyết tâm của các em đã làm thay đổi cái nhìn không thiện cảm của các bậc phu huynh buổi ban đầu. Mẹ của Suresh, một trong các chủ tịch CLB chiếm được nhiều tình cảm, thú nhận “lúc đầu chúng tôi hoàn toàn phản đối chuyện cho con đi học vì thấy lãng phí thời gian và tiền bạc. Thu nhập của chúng tôi quá ít để trang trải chi phí hàng tháng”. Nhưng rồi bà tự hào nhận ra nhờ các em nhỏ, trong đó có con mình, “cuộc sống của các khu ổ chuột và bản thân chúng tôi cũng thay đổi”.
Các chuyên gia giáo dục thì nhận xét những “Children’s club” ở Madras đã thực sự trở thành một động lực của phát triển xã hội, kinh tế và chính trị của các khu ổ chuột nghèo.
LÊ VÂN (Theo RFI)