Chim Trắng bay xa…

Đêm 28-9, báo hung tin: NSND, họa sĩ Lương Đống, cánh chim đầu đàn của thiết kế sân khấu từ trần. Sáng 29-9, một đồng nghiệp khác lại cho biết: Nhà thơ Chim Trắng, cánh chim không mỏi của thế hệ thơ cách mạng Nam bộ thời chống Mỹ vừa mới qua đời…
Chim Trắng bay xa…

Đêm 28-9, báo hung tin: NSND, họa sĩ Lương Đống, cánh chim đầu đàn của thiết kế sân khấu từ trần. Sáng 29-9, một đồng nghiệp khác lại cho biết: Nhà thơ Chim Trắng, cánh chim không mỏi của thế hệ thơ cách mạng Nam bộ thời chống Mỹ vừa mới qua đời…

…Về Hà Nội để yêu. Ai đó đã viết thế. Nhà thơ Chim Trắng có “Chút thu Hà Nội” như vầy: “Tôi bỗng ngại những gì không thể có/Một khoảnh khắc thu trôi cũng sợ mất trước cuộc đời/Cúi xuống ngực nghe trên đầu trắng năm mươi tuổi/Em Hà Nội còn quá trẻ, để tôi yêu”.

Nhà thơ Chim Trắng là một người như thế. Anh luôn băn khoăn, day dứt, bâng khuâng, Chim Trắng là người luôn có vẻ tự mâu thuẫn.

Chúng tôi là những người thích thơ Chim Trắng. Nói cách khác, chúng tôi thích quan niệm về thơ ca của anh. Nhà thơ Chim Trắng nói: “Tôi muốn thơ mình phải khác đi. Muốn hòa nhập muốn phù hợp với “gu” thưởng thức của người đọc hôm nay. Tự vượt mình, khác mình là mới”. Tự tin, tự phụ, phải là người “liều mình như chẳng có” (lời Nguyễn Đình Chiểu). Chim Trắng là vậy!

Nhà thơ Chim Trắng.

Nhà thơ Chim Trắng.

Nhà thơ Chim Trắng tên thật là Hồ Văn Ba, sinh năm 1938, ở Bến Tre. Chúng tôi quen gọi anh là anh Ba! Năm 1955, ông tham gia cách mạng từ phong trào “Bảo vệ hòa bình” của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, từng bị chính quyền cũ bắt giam 2 lần ở Mỹ Tho và Sài Gòn. Năm 1961, ông trốn tù vào chiến khu, làm công tác thanh niên, viết báo, làm thơ, là ủy viên ngành văn thuộc Tiểu ban văn nghệ miền Nam (R)…

Sau ngày đất nước thống nhất, ông liên tục đảm nhiệm các cương vị trong BCH Hội Nhà văn TPHCM, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, nguyên Tổng Biên tập Báo Văn nghệ TPHCM, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng thơ Việt Nam. Một giọng thơ Chim Trắng xuyên suốt 50 năm làm thơ là sự tìm tòi hiện đại trong tứ thơ chân quê.

Nhà thơ Chim Trắng để lại cho đời các tập thơ, dễ cảm và kén chọn người đọc. Ấy là Có đâu như ở miền Nam (viết chung với Lê Anh Xuân, Viễn Phương - 1968); Tên em rực rỡ vô cùng (1971); Đồng bằng tình yêu (1973); Một góc quê hương (1974); Những ngả đường (1980); Dấu vết nhỏ nhoi (1984); Có một mùa thu trong (1990); Thơ Chim Trắng - Cô gái (1998), Hát lời cỏ hát (1999); Cỏ khóc dưới chân tôi (2011)…

Nhà thơ Chim Trắng chỉ làm thơ và sống trọn vẹn với thơ. Anh muốn kéo thơ ra thành văn xuôi và dồn văn xuôi vào thơ. Mỗi sáng tác của anh là một thể nghiệm thơ. Ấy là điều đáng quý. Và chúng ta yêu kính anh.

Ở tuổi 73, anh ra đi là quá bất ngờ và quá sớm. Càng quá sớm vì anh còn đó những trăn trở, còn đó những day dứt, còn bao nhiêu mong mỏi.

…Thương ngoại nên thương luôn hàng cau
Thương cả dây trầu ngoại tưới ngoại vun
Thương con nước lớn đầy sông
Chở hoa cau trắng xuôi dòng
Về đâu…


Chúng tôi thương nhớ nhà thơ Chim Trắng, thế hệ của thơ cách mạng miền Nam thời chống Mỹ, cùng với những tên tuổi làm chúng ta nhớ lâu, nhớ mãi: Ca Lê Hiến, Diệp Minh Tuyền, Lê Giang, Nguyễn Chí Hiếu… 

VŨ ÂN THY

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, hồi 19 giờ 15 ngày 28-9, nhà thơ Chim Trắng từ trần tại nhà riêng, số Đ18/17 Khu dân cư Thuận Giao, xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, thọ 73 tuổi. Tang lễ được tổ chức tại nhà riêng, lễ viếng bắt đầu từ ngày 29-9, lễ động quan lúc 10 giờ ngày 1-10, hỏa táng tại nghĩa trang Chánh Phú Hòa, Bến Cát, Bình Dương.

T.VY

Tin cùng chuyên mục