Hôm qua 24-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 nhằm đánh giá tình KT-XH tháng 7 và 7 tháng vừa qua, đồng thời thống nhất các biện pháp chỉ đạo và điều hành trong các tháng còn lại của năm 2011. Đây cũng là phiên họp thường kỳ cuối cùng của Chính phủ khóa XII. Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo.
Sức ép lạm phát còn tăng
Tại phiên họp, Chính phủ nhận định, từ nay đến cuối năm, sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Giá cả hàng hóa và tình hình thị trường thế giới, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, thiên tai, lụt bão có thể xảy ra nhiều hơn trong các tháng tới, gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, với lãi suất cao đã gây khó khăn cho việc vay vốn tín dụng đầu tư sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện những giải pháp trọng tâm mà Chính phủ đã đề ra.
Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý như đã nêu trong các nghị quyết điều hành của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 11; thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng, giảm dần lãi suất cho vay.
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết tại phiên họp, Chính phủ đã thống nhất cơ cấu bộ máy Chính phủ khóa XIII trước khi trình Quốc hội. “Số lượng Phó Thủ tướng, các bộ ngành ra sao sẽ được Chính phủ thông báo, trước khi Quốc hội bàn. Việc này không có gì bí mật nhưng sẽ công bố vào thời điểm thích hợp”, ông Phúc nói.
Trả lời câu hỏi về chính sách tín dụng đối với bất động sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết, vì mục tiêu hàng đầu của Chính phủ là kiềm chế lạm phát nên Chính phủ vẫn chủ trương chính sách tiền tệ thận trọng, kiểm soát tăng trưởng tín dụng thực tế dưới 20%; giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán so với năm 2010. “Đến nay, sức ép lạm phát còn gia tăng, những dấu hiệu về giá cả thời gian tới vẫn chưa thể xác định. Những giải pháp để kiềm chế lạm phát vẫn đầy thách thức, vì vậy chủ trương về tín dụng bất động sản vẫn sẽ được thực hiện như hiện nay trong thời gian tới. Ngân hàng vẫn kiểm soát tín dụng ở khu vực phi sản xuất” - ông Tiến khẳng định.
Vấn đề biển Đông, Chính phủ đã bàn luận trong phiên họp hôm qua. Chính phủ cũng đã giao Bộ Ngoại giao chuẩn bị báo cáo vấn đề biển Đông tại kỳ họp Quốc hội lần này. “Quan điểm của chúng ta là xây dựng một biển Đông hữu nghị, hòa bình trên tinh thần Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ quy tắc về ứng xử giữa các bên ở biển Đông (COC). Những vấn đề còn nhận thức khác nhau thì các bên cùng bàn bạc, xử lý trên tinh thần hữu nghị, hợp tác, cùng có lợi dựa trên Công ước quốc tế”, ông Phúc cho hay.
Chưa thể biết lạm phát bao nhiêu
Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng mạnh trở lại đã trở thành vấn đề “nóng” nhất trong phiên họp báo thường kỳ cuối cùng của Chính phủ khóa XII.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), CPI trong tháng 7 tăng chủ yếu do thực phẩm. Nguyên nhân tăng giá thực phẩm là do mất cân đối cung cầu, do giá thức ăn chăn nuôi tăng, rau chuyển vụ, bão... Trả lời về việc có hay không nguyên nhân tăng giá thực phẩm chính trong thời gian qua là do thương lái nước ngoài thu gom hàng gây khan hiếm hàng hóa, ông Thỏa cho hay: “Việc mua gom hàng của thương lái nước ngoài, theo Bộ NN-PTNT, đúng là trong 3 tháng đầu năm có chuyện đó nhưng không lớn. 3 tháng đầu năm thương lái nước ngoài mua gom khoảng 20.000 con heo nhưng 3 tháng gần đây ít đi. Ngược lại, hiện nay có hiện tượng nhập khẩu heo từ biên giới”, ông Thỏa thông tin. Việc tăng giá thực phẩm có lợi là nông dân “thắng” lớn nhưng người tiêu dùng chịu ảnh hưởng cũng như tác động lên CPI.
Dự báo về chiều hướng tăng CPI từ nay đến cuối năm, liệu có kiềm được ở mức 17% như Chính phủ đã trình Quốc hội, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, CPI từ nay đến cuối năm vẫn có nhiều yếu tố tác động. Cuối năm thường nhu cầu tiêu dùng cao, nhất là dịp tết. “CPI 7 tháng đã là 14,6% thì cả năm giữ 17% là rất khó khăn, phải phấn đấu hết sức quyết liệt”, ông Thỏa thừa nhận.
Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, tới đây chính sách tiền tệ sẽ được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, mục tiêu là không thay đổi. “Lạm phát hiện nay trên toàn thế giới đều rất cao. Tiếp tục kiềm chế lạm phát là chủ trương nhất quán của Chính phủ. Còn con số CPI năm nay bao nhiêu vẫn khó nói, nhất là trong bối cảnh giá vàng, giá dầu thế giới đang tăng cao. Nhưng mục tiêu kiềm chế lạm phát với các chính sách đã đưa ra là không thay đổi, sẽ kiên quyết, đồng bộ”, ông Phúc nhấn mạnh.
Trả lời về khả năng tăng giá điện trong thời gian tới, đại diện Bộ Công thương cho hay, Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030. Đây là giai đoạn phát triển rất lớn của ngành điện lực Việt Nam. Nhu cầu vốn đầu tư rất lớn. Với giá điện hiện nay, ngành điện không thể thu xếp đủ vốn cho đầu tư. Vì vậy, trong quy hoạch này cũng nêu rõ sẽ điều chỉnh giá điện tiến tới tiếp cận giá thị trường. Đó là định hướng chính sách giá điện trong thời gian tới, còn tăng bao nhiêu, lúc nào thì phải tính toán vì điều hành của Chính phủ phải bảo đảm các mục tiêu chung, đòi hỏi hết sức thận trọng, linh hoạt.
Đối với xăng dầu, ông Thỏa cho hay, từ tháng 3 đến nay, giá dầu thế giới liên tục tăng cao, nếu không có quỹ bình ổn thì chúng ta sẽ không đủ nguồn lực để bình ổn thị trường. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cũng cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. “Nhưng vừa qua để bình ổn giá, Chính phủ cho phép giảm thuế nhập khẩu xăng dầu về 0%, cho sử dụng quỹ bình ổn giá; nếu giá giảm thì phải giảm giá cho người tiêu dùng. Điều hành giá xăng dầu bao giờ cũng phải hài hòa lợi ích cả 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Khi nào giá hoàn toàn theo cơ chế thị trường thì khác. Hiện nay, kiểm toán cũng đang thực hiện kiểm toán hoạt động của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng như việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu”. |
PHAN THẢO