
Do mức chi vượt gấp gần 3 lần mức thu đối với diện tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện (BHYTTN) nên sau hơn 1 năm áp dụng chính sách mới này, quỹ BHYT đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ… Cách nào cứu nguy và đảm bảo sự tăng trưởng bền vững cho quỹ?

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân BHYT chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Nhân Dân 115. Ảnh: MAI HẢI
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH)Việt Nam, trong năm 2006, cả nước có 11 triệu người tham gia BHYTTN với mức đóng 130.000 đồng/người/năm và mức chi - thụ hưởng chăm sóc y tế bình quân cho mỗi người là 350.000 đồng/người/năm. Nếu trước đó, nguồn quỹ BHYT kết dư được 2.000 tỷ đồng thì năm 2006 lại bội chi đến 1.600 tỷ đồng, trong đó bội chi cho BHYTTN là 900 tỷ đồng.
Phân tích bài toán thu chi BHYTTN mất cân đối nghiêm trọng này, ông Hoàng Kiến Thiết, Trưởng Ban BHYTTN bức xúc: “Các quy định của Thông tư 22/2005/TTLB-BYT-BTC đã mở quá rộng cho nhiều đối tượng tham gia BHYTTN (sinh viên, học sinh, hộ gia đình, thân nhân của những người tham gia BHYT bắt buộc, hội viên hội nghề nghiệp…). Đây chính là nguyên nhân khiến cho cơ quan BHYT mất khả năng kiểm soát đối tượng cũng như mức chi - thụ hưởng chính sách này.
Từ kẽ hở thông thoáng quá tầm kiểm soát này, số bệnh nhân mới xin gia nhập các hội hoặc xác nhận là thân nhân của người tham gia BHYT bắt buộc để tham gia BHYTTN tăng vọt”. Trong số này có rất nhiều người bị các bệnh nặng, mãn tính như chạy thận nhân tạo, tiểu đường… cần sử dụng kỹ thuật cao, chi phí chữa trị bệnh lên đến hàng chục triệu đồng/người. Ông Thiết cảnh báo rằng nếu không điều chỉnh mức thu và chi gấp thì quỹ BHYT chỉ có thể trang trải được 4 tháng, còn 8 tháng không biết lấy nguồn nào bù vào?
Trước thực tế nêu trên, nguyên tắc chia sẻ của quỹ BHXH là “lấy số đông bù số ít” đã bị phá vỡ. Vì thế, đầu năm 2007, BHXH Việt Nam buộc phải có công văn tạm ngưng thực hiện chính sách BHYTTN để điều chỉnh lại mức thu và chi cho hợp lý. Theo dự thảo điều chỉnh lại Thông tư số 22, mức thu sẽ điều chỉnh cao hơn và mức chi sẽ khống chế theo mức trần thanh toán.
Có rất nhiều ý kiến khác nhau của các ngành chức năng và các chuyên gia về BHXH đóng góp cho nội dung của dự thảo này. Tuy nhiên, vấn đề bức thiết chung được đặt ra ở đây là chúng ta hướng tới mục tiêu lâu dài - thực hiện BHYT toàn dân nhưng phải đảm bảo cho quỹ tăng trưởng bền vững.
- Kích thích nhiều người khỏe tham gia
Theo các chuyên gia BHXH, để cứu nguy cho quỹ BHYT thì bên cạnh việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT phải vận động, thu hút nhiều người khỏe mạnh cùng tham gia. Như thế mới đảm bảo nguyên tắc chia sẻ rủi ro - số đông bù số ít, người khỏe lo cho người bệnh.
Theo ông Bùi Đức Tráng, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, để chính sách BHYT phát triển bền vững thì cần phải có “cuộc cách mạng” thay đổi cơ chế về quản lý vận hành, trong đó việc cấp phát kinh phí khám chữa bệnh cho người dân phải trực tiếp. Dựa trên cơ sở tính chi phí khám chữa bệnh bình quân đầu người/năm cho mỗi người sẽ tính được mức phí mua BHYT bắt buộc và tự nguyện phù hợp (sau khi trừ phần đóng góp của nhà nước).
Vậy mức thu của đối tượng BHYTTN là bao nhiêu? Ông Cao Văn Sang, Phó Giám đốc BHXH TPHCM đề nghị mức thu ít nhất cũng bằng diện bắt buộc mua BHXH (tức là 3% mức tiền lương tối thiểu/tháng). Để tránh tình trạng lạm dụng chính sách BHYTTN như thời gian vừa qua, nên khoanh đối tượng tham gia BHYTTN là sinh viên, học sinh và hộ gia đình. Riêng hộ gia đình thì phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng tỷ lệ như quy định.
Bên cạnh đó để nâng cao quyền lợi cho người tham gia và mở rộng đối tượng BHYTTN, nhất là diện cận nghèo, nhà nước nên đầu tư kinh phí cho loại hình này bằng cách hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ BHYTTN cho những người thuộc diện cận nghèo. Ví dụ mệnh giá thẻ BHYTTN là 150.000 đồng/người/năm thì nhà nước hỗ trợ thêm 50.000 đồng/thẻ. Đến khi nào Quỹ BHYTTN có khả năng tự thu - chi thì nhà nước ngừng hỗ trợ.
Thực tế cho thấy, khi người dân được kích thích mua BHYT đạt đến độ toàn dân, cơ quan BHXH sẽ có nguồn quỹ đủ lớn để thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro - số đông bù số ít. Nhìn lại thực tế dễ thấy môi trường y tế, điều kiện chăm sóc sức khỏe ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập còn nhiều điều bất ổn.
Hơn nữa, cơ chế, chính sách BHYT còn trong giai đoạn mò mẫm, thử nghiệm, thậm chí là chắp vá nên chưa định hình được hành lang pháp lý căn bản. Vì thế, chúng ta nên cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng việc thực hiện chính sách BHYTTN sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo tăng trưởng quỹ và tránh tình trạng xáo trộn tâm lý của người tham gia, thụ hưởng chính sách này.
KHÁNH BÌNH