Chính sách đối với người nhiễm HIV/AIDS không thể “cào bằng”

“Người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được khám, chữa bệnh miễn phí các bệnh nhiễm trùng cơ hội và thuốc kháng HIV”- đó là quy định mới bổ sung vào dự thảo Luật Phòng chống HIV/AIDS, được Hội nghị ĐBQH chuyên trách đưa ra thảo luận hôm qua (20-2). Trước đó, khi dự luật được trình ra Quốc hội, nhiều ĐBQH đã đề nghị cần bổ sung các chính sách đãi ngộ đối với người làm nhiệm vụ bị nhiễm HIV/AIDS (bản thân và gia đình họ).

Liên quan đến vấn đề tiếp cận thuốc kháng HIV, theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu, Ban soạn thảo nhận thấy đa số người nhiễm HIV là người nghèo, nếu thực hiện được việc điều trị miễn phí cho tất cả các đối tượng này thì công tác phòng chống HIV/AIDS “chắc chắn có hiệu quả cao”.

Tuy nhiên, hiện nay khả năng của nước ta chưa thể đáp ứng được yêu cầu này. Do đó, dự luật lần này quy định một số đối tượng đương nhiên được điều trị bằng thuốc kháng HIV miễn phí và những đối tượng khác được điều trị miễn phí theo thứ tự ưu tiên.

Đại biểu Tào Hữu Phùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Ngân sách của Quốc hội cũng đồng tình: chính sách đối với người bị nhiễm HIV/AIDS không thể “cào bằng”. Trên thực tế, nguyên nhân nhiễm căn bệnh thế kỷ này chủ yếu là từ tệ nạn mại dâm, ma túy. “Nhiều đối tượng nghiện ngập bị nhiễm HIV là con nhà giàu, không ít người là con thứ trưởng, bộ trưởng.

Vào trại điều trị HIV mà vẫn sử dụng điện thoại di động, hút chích ma túy… thì không cớ gì cả xã hội phải bỏ tiền ra chữa bệnh miễn phí cho họ” - ông Tào Hữu Phùng nói. Nhiều đại biểu cũng nhất trí với một quy định mới được bổ sung trong dự luật: “Người đang tham gia bảo hiểm y tế bị nhiễm HIV được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám, chữa bệnh”. Danh mục thuốc điều trị HIV/AIDS do bảo hiểm y tế chi trả được giao cho Chính phủ quy định. 

B.M.

Tin cùng chuyên mục