
Chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) nặng nề, quá tải đã gây nhiều bức xúc cho xã hội thời gian qua. Trong cuộc họp đánh giá lại CT, SGK mới đây, Bộ GD-ĐT cũng đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu, trước mắt sẽ chỉnh sửa lại CT. Nhưng chỉnh sửa như thế nào, liệu có rơi vào tình trạng “cắt đầu, gọt đuôi” làm nội dung CT thiếu đồng bộ và mất tính cân đối? Báo SGGP đã nhận được những phản hồi của các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM HUỲNH CÔNG MINH:
SGK mới phải tạo điều kiện để giáo viên sáng tạo

Chọn mua sách tại Nhà sách Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: MAI HẢI
Theo tôi, bộ SGK phổ thông hiện hành là bộ sách tốt nhất từ trước đến nay. Bởi đã tập hợp đội ngũ những người viết có tâm huyết, dành nhiều thời gian đầu tư cho viết sách theo một quy trình công phu. Tất nhiên, đây là lần đầu xuất bản nên không thể tránh khỏi những khiếm khuyết. Do vậy, cần thiết có đánh giá hàng năm để có chỉnh sửa phù hợp, cập nhật những kiến thức hiện đại.
Còn viết lại SGK là vấn đề tương lai phải tính đến để hội nhập. Khi đó, quy trình làm sách phải đáp ứng yêu cầu mới.
Để nâng cao năng lực giáo dục của thầy cô giáo thì cơ chế ban hành SGK mới phải tạo điều kiện để giáo viên (GV) sáng tạo ra những bài giảng gắn với thực tế. Có nghĩa, dựa vào CT do Bộ GD-ĐT ban hành sẽ có nhiều bộ SGK cho những người có điều kiện đầu tư biên soạn, in ấn phát hành.
GS NGUYỄN LÂN DŨNG (ĐH Quốc gia Hà Nội):
Cần sửa ngay chương trình
Tôi được biết, chủ trương của Bộ GD-ĐT là “sai đâu, sửa đấy”. Thế nhưng, CT là cái quyết định SGK. Ở các nước khác, nhà nước chỉ quan tâm đến CT, còn SGK là việc của các nhóm tác giả và các nhà xuất bản khác nhau. Còn CT của ta, qua sự thẩm định của các hội chuyên ngành thì thấy đầy bất cập.
Theo tôi được biết, Bộ GD-ĐT nói đến năm 2015 sẽ có một CT ổân định nhưng chúng tôi không đồng ý. Việc gì phải đợi lâu thế, bởi viết SGK thì khó còn viết CT đâu có khó. Cả thế giới đều dạy CT 12 năm, ta cũng vậy nên có thể tham khảo và sử dụng trí tuệ của các hội khoa học chuyên ngành. Lâu nay, khi làm CT, không ai hỏi ý kiến của hội khoa học chuyên ngành nên mới dẫn đến tình hình như thế này. Vì vậy, mọi người đều mong muốn có một chương trình mới.
Cái e ngại là chúng ta vừa qua 12 năm thay SGK, bây giờ lại thay sách nữa thì dân chúng sẽ rất hoang mang. Nhưng tôi cho rằng, SGK là cái thể hiện CT nên cốt lõi của vấn đề là phải thay CT. Còn SGK hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng sau khi có hướng dẫn phần này cắt bỏ, phần kia tiếp tục… Vì vậy, không nên đợi đến 2015 mới sửa CT mà ngay từ bây giờ, nên tập hợp các nhà khoa học để xây dựng lại cho hoàn chỉnh.
Phải cấu trúc lại toàn bộ chương trình
Một GS-TS (đề nghị giấu tên) cho biết: Ai cũng mong muốn thiết tha bộ sách sau sẽ hay hơn bộ sách trước. Cái hay không chỉ trong tư tưởng chỉ đạo mà còn trong nội dung, CT. Quan điểm chỉ đạo của bộ sách mới hiện nay đặt trên yêu cầu giảm tải, tích hợp và sát thực tiễn đời sống. Tôi lấy ví dụ bộ môn Văn bậc THPT, ở từng bài đòi hỏi sự tích hợp thì không ổn, chỉ nên đặt yêu cầu này một cách tổng thể nội dung của sách. Giảm tải tức làm nhẹ hơn nhưng thực tế như thế nào? GV than nặng, học sinh (HS) than khó. Đó chẳng qua là do mỗi tác giả sách viết một mảng. Ai viết cũng say mê, muốn đi đến đầu đến đũa, nhưng sự điều phối một cách khách quan và tỉnh táo của tổng chủ biên thì không có.
Tôi nghĩ viết sách giảng văn cần căn cứ vào tiến trình phát triển của lịch sử văn học. CT giảng văn bậc THPT mới không thể chỉ chỉnh sửa mà cần phải cấu trúc lại toàn bộ chương trình theo hướng gọn và tinh. Nếu cần và say mê, tự các em sẽ nghiên cứu thêm hoặc được học sâu khi học chuyên ngành bậc đại học. Đừng ảo tưởng HS học xong lớp 12 sẽ hiểu hết những gì người viết mong muốn, nhưng thật ra kiến thức các em nắm được cũng chỉ như “chuồn chuồn đạp nước” mà thôi.
Để có một CT phù hợp, Bộ GD-ĐT cần có cuộc vận động xây dựng CT đồng bộ từ bậc THCS đến THPT với sự tham dự của các GV giỏi, tổ trưởng chuyên môn. Những ai góp ý tốt sẽ được thưởng. Sau đó hội đồng thẩm định sẽ đề cử tác giả viết sách theo CT đã được tuyển chọn.
Việt Lan – Doanh Doanh