Cho con ăn dặm

Sau mấy tháng giãn cách mới gặp lại, từ hai đứa bé bằng cân nhau, chị Huyền Trang bất ngờ vì cậu bé hay chơi với con mình ở sân chung của chung cư lớn phổng phao. Nhìn lại con mình, chị chỉ biết cảm thán. 

Điệp khúc… ăn dặm

“Mỗi ngày vẫn đều đặn chuẩn bị 3 bữa chính, 2-3 bữa phụ ngoảnh đi ngoảnh lại thấy mình không làm được gì vì chỉ biết cắm cúi vào bếp núc và các bữa ăn của con. Ngày nào, bữa nào cũng nghĩ phải đổi món để con ăn ngon hơn nhưng nhiều lúc mẹ nấu rồi tự ăn. Lại có những bữa cơm chan đầy nước mắt, hoặc vừa ăn bé vừa ngậm không chịu nuốt, ngậm chán lại phun ra”, chị Huyền Trang (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) thở dài. Chưa kể, cậu con trai của chị dù không mê xem ti vi hay điện thoại nhưng hễ ngồi xuống bàn ăn là phải dọn đủ thứ đồ chơi mới chịu ăn. Thậm chí, khi uống sữa cũng phải bón từng thìa, vô cùng vất vả. Tròn một năm từ lúc bắt đầu cho con ăn dặm, chị đọc đủ tài liệu trên mạng, tham khảo kinh nghiệm của các bà mẹ có con biếng ăn.  

Cho con ăn dặm là hành trình không hề dễ dàng. Ảnh: rawpixel  
Kinh nghiệm thiết thực nhất là từ bà mẹ cùng chung cư, có một bé trai trạc tuổi con mình. Hai đứa sinh cách nhau 3 tuần, cân nặng luôn ngang bằng nhau. Nhưng sau khoảng 5 tháng giãn cách xã hội, ngày gặp lại cậu bé hàng xóm đã hơn con chị 2kg, lớn phổng phao. Chị kể tiếp: “Khi đặt hai đứa đứng cạnh nhau, tôi hay ví von chẳng khác nào số 10. Nghe mẹ bé kể áp dụng phương pháp ăn dặm mới với những thay đổi không ngờ mà tôi thấy phát thèm. Tôi hỏi rất kỹ và thử áp dụng với con nhưng cũng không cải thiện là bao”.   

Trong khi đó, chị Xuân Lan (quận 12, TPHCM) lại trải qua những cung bậc cảm xúc hoàn toàn khác nhau với 2 đứa con. Bé trai đầu sắp bước vào lớp 1 nhưng chỉ cần ba mẹ không để ý là lập tức trốn ăn, bỏ bữa. Nói ngọt không nghe, cực chẳng đã chị phải quát mắng, lớn tiếng trong mỗi bữa ăn. Ngược lại hoàn toàn, cô con gái thứ 2, mới hơn 1 tuổi lại có niềm đam mê đặc biệt với đồ ăn. Từ bữa chính, bữa phụ, uống sữa cứ cho là bé đều ăn rất ngoan ngoãn và thích thú. Chị tâm sự: “Nhiều lúc tôi tự nghĩ cùng con mình sinh ra, chăm sóc như nhau không hiểu sao lại có sự khác biệt lớn như vậy. Với con trai lớn, ban đầu tôi nghĩ lúc bé con lười ăn vì còn bú sữa mẹ, rồi uống thêm sữa ngoài, ăn vặt. Nhưng khi lớn hơn, ngay cả khi không còn uống sữa hoặc thậm chí tôi cắt luôn phần ăn vặt để tập trung cho bữa chính, con vẫn cứ lười ăn như thường. Còn bé gái, tôi lại hoàn toàn thoải mái và dễ dàng trong việc cho ăn dặm. Thậm chí đôi khi bé còn giành cả đồ ăn của anh”.   

Mẹ hiểu, con ngoan

Gõ cụm từ “ăn dặm” trên Google, trong 0,54 giây đã cho hơn 19,8 triệu kết quả với vô vàn kiến thức về phương pháp, thực đơn, nguyên tắc, sai lầm… trong việc cho con ăn dặm. Trên thực tế, có rất nhiều phương pháp ăn dặm mà những bà mẹ như chị Huyền Trang hay chị Xuân Lan đã thử nghiệm. Đó là ăn dặm truyền thống, bắt đầu từ việc ăn bột sau đó sẽ chuyển dần sang ăn cháo và cơm. Ăn dặm kiểu Nhật - ăn ngay với cháo loãng qua rây tỷ lệ 1:10 chứ không quấy bột. Ăn dặm tự bé chỉ huy - bé được tự quyết định quá trình ăn của mình và bố mẹ chỉ chọn loại đồ ăn cũng được nhiều mẹ áp dụng.  

Kinh nghiệm thực tế từ chị Phượng Hồng (quận Tân Bình, TPHCM): “Ngày bé mới ăn dặm, tôi vừa mua sách rồi đọc tài liệu trên mạng, tham khảo kinh nghiệm của bạn bè. Cả 3 phương pháp trên tôi đều biết và thấy nhiều trường hợp rất thành công. Nhưng tôi nghĩ bản thân mỗi em bé không giống nhau về thói quen ăn uống nên người làm mẹ, hơn ai hết sẽ biết phương pháp nào phù hợp với con mình. Không thể áp dụng một cách máy móc”. 

Trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ, đặc biệt là việc cho con ăn dặm, hơn ai hết các ông bố, bà mẹ là người hiểu nhất thói quen, sở thích của con cái. Một điều quan trọng không kém, cho bé ăn dặm cần có thời gian và sự kiên nhẫn để hình thành những thói quen tốt. Thời gian gần đây, chị Xuân Lan cũng bớt áp lực hơn với cậu con trai: “Bé lớn hơn nên khi trò chuyện, mình biết con không thích mẹ lớn tiếng trước mỗi bữa ăn hay ép phải ăn hết khẩu phần định sẵn. Quan trọng là con ăn ngon và vui vẻ sẽ hấp thu tốt chứ không nhất thiết phải ăn nhiều. Nếu thấy con thấp còi, mình bổ sung các dưỡng chất khác theo lời khuyên của bác sĩ dinh dưỡng”, chị chia sẻ. Tương tự, chị Huyền Trang cũng học được cách cân bằng giữa yêu cầu, đòi hỏi của con và mong muốn của mẹ trong mỗi bữa ăn. Chị tập cho bé dần bỏ đồ chơi để tập trung vào bữa ăn, tạo không khí vui vẻ và luôn khích lệ mỗi khi con ăn ngoan.   

Đa phần các bà mẹ đều có chung tâm lý sợ con thấp còi, thích con bụ bẫm. Chính bởi lý do đó, khi con bắt đầu bước vào thời kỳ ăn dặm, ai cũng háo hức làm đủ món, thay đổi khẩu vị liên tục để kích thích sự ngon miệng của trẻ. Không ít trường hợp, ám ảnh cân nặng là áp lực khiến mỗi bữa ăn cho trẻ giống như cực hình, thậm chí không khí gia đình thường xuyên căng thẳng. Để mỗi bữa ăn luôn là niềm vui cho cả bé và cha mẹ, thực sự là một nghệ thuật, nhất là với trẻ biếng ăn. Chỉ có sự yêu thương và thấu hiểu, mỗi bữa ăn dặm với con và cả cha mẹ mới tràn ngập niềm vui.

Tin cùng chuyên mục