Cho con trải nghiệm

Có người nói, trải nghiệm cho ta cuộc sống thực. Điều này áp dụng với trẻ ở nhiều gia đình hiện nay rất đúng, bởi các em đang thiếu trải nghiệm vì được gia đình “úm” rất kỹ. Nhiều người gọi các em là “gà công nghiệp” nên lớn lên dễ “sống trên mây” bởi không nắm bắt, không có khả năng thích nghi với cuộc sống.

Người lớn hay nói với nhau về những kỷ niệm thời tắm mưa, với bao điều thú vị, hay ho. Thế nhưng, gần như tất cả các ông bố bà mẹ đều nại ra đủ lý do để từ chối đề nghị của sắp trẻ: “Trời mưa lạnh, bệnh đó!”, “Mưa trợt, ra tắm rồi chạy giỡn, té ai đỡ kịp?”…

Lý do nào nghe cũng hợp lý và thuyết phục cả! Nếu bậc cha mẹ nào đó tinh ý hơn sẽ không “tuyệt đối hóa” chuyện tắm mưa như vậy. Ở thành phố, có lẽ không nên tắm mưa, nhất là những cơn mưa đầu mùa hoặc lúc mới bắt đầu mưa. Bởi ở thành phố, không khí bị ô nhiễm, mưa đầu mùa hoặc đầu cơn mưa thì lượng a xít và chất bẩn trong nước mưa rất nhiều, tắm vào lúc này dễ bị mắc bệnh. Nhưng ở nông thôn, như vào dịp hè chẳng hạn, tắm mưa không chỉ được cái thú hứng những giọt nước mưa mát rượi, được nô đùa các vũng nước… mà chính nước mưa còn là một loại nước sát khuẩn, giúp chữa một số bệnh ngoài da (nhất là rôm sảy). Vì vậy, ở quê, nếu có người lớn quan sát, nên cho trẻ ra tắm mưa chừng mươi mười lăm phút, để trẻ được trải nghiệm tắm mưa là thế nào, sau này lớn lên sẽ có được những kỷ niệm đẹp về thời niên thiếu, thay vì chỉ “đóng khung” trong nhà.

Hiện không ít người vì thương con, xót con nên không dạy cho con làm việc nhà, chỉ tập trung việc học. Hoặc có người cũng dạy cho con rửa chén, quét nhà… nhưng không đủ kiên nhẫn “xử lý” những “hậu quả” của con (như bày đồ lung tung, làm đổ bể chén dĩa…) nên “thà tự làm cho khỏe hơn”.

Kết quả là trẻ có cảm giác sung sướng vì không phải làm việc nhà, nhưng kỳ thực không được trải nghiệm những việc làm đó, lớn lên không biết làm các công việc của gia đình, dẫn đến thụ động, bị lệ thuộc. Không chỉ vậy, trẻ không tập được sự tỉ mỉ, không rèn được thói quen yêu lao động, nhất là lao động chân tay, mà bắt đầu từ những việc nhỏ. Ở Israel, người ta thống kê rằng, những trẻ biết làm việc nhà thì sau này lớn lên đi làm thường có thu nhập cao hơn những người khác mà hồi nhỏ họ không làm việc nhà. Phải chăng, từ chuyện làm những việc nhỏ nhặt đó đã hình thành nên một tính cách, một khả năng ứng xử, một năng lực tư duy để làm việc tốt hơn?

Có câu châm ngôn “Không phải nhảy vào chảo dầu mới được ăn bánh rán”. Điều này đặt ra ranh giới giữa trải nghiệm và nguy hiểm, giữa học tập, thực hành và sự liều lĩnh, mạo hiểm. Người lớn phải phân biệt rõ ràng giữa trải nghiệm và những điều có thể gây rủi ro cho trẻ. Với sự trải nghiệm thì cần được phát huy, tạo điều kiện, ở nhiều cung bậc, nhiều hình thức, tùy thuộc vào lứa tuổi, giới tính, điều kiện cụ thể… nhưng với sự rủi ro thì phải cố gắng tránh, cả ở việc tạo cho trẻ nhận thức tự tránh và bản thân người lớn phải giúp trẻ tránh xa nơi có rủi ro. Có như vậy trẻ mới còn lành lặn, an toàn mà trải nghiệm và trưởng thành.

Vì vậy, các bậc cha mẹ nên cho con được cơ hội trải nghiệm đúng cách.

Trịnh Minh Giang

Tin cùng chuyên mục