
Bản dự thảo Luật Điện ảnh đã trình Quốc hội ngày 22-9-2005, và tại kỳ họp thứ 8, dự thảo đã được đem ra Quốc hội thảo luận. Dựa trên những ý kiến đóng góp, bản dự thảo Luật Điện ảnh được viết lại ngày 6-2-2006 và liên tiếp trong 2 ngày 28-2, 2-3, đã được những người làm điện ảnh lùng soát cặn kẽ trong từng chương, từng điều luật để đưa ra những vấn đề không hợp lý và thiếu thực tế trên văn bản dự thảo. Thời gian qua, dù rất cẩn trọng và đã chắc lọc khá nhiều ý kiến của giới điện ảnh, nhưng để có một bộ Luật Điện ảnh thực sự vì sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà, các nhà làm luật phải nghiên cứu thực tế trong lãnh vực nghệ thuật tổng hợp này.

Các nghệ sỹ điện ảnh Việt Nam.
1/ Điều tiên quyết nhất của Luật Điện ảnh là phải có chính sách bảo trợ điện ảnh dân tộc. Làm thế nào điện ảnh Việt Nam có thể đứng vững được khi việc nhập khẩu phim đã được mở ra cho nhiều cơ sở sản xuất phim và các tổ chức, cá nhân liên doanh (Điều 30). Hiện nay, chưa có lúc nào Việt Nam nhập nhiều phim nước ngoài (chủ yếu là phim Mỹ) và chiếm địa vị độc tôn trên các rạp chiếu như bây giờ. Việc thả nổi việc nhập phim như hiện nay tất phim Việt Nam sẽ không thể đương đầu nổi, vì so với giá nhập một bộ phim hay và nổi tiếng của nước ngoài chỉ cao nhất là 50.000 USD, trong lúc ấy, khi sản xuất 1 phim nhựa phải đầu tư từ 3-4 tỷ đồng. Vì vậy, luật phải quy định cụ thể các cơ sở điện ảnh muốn nhập 1 phim nước ngoài phải sản xuất 2-3 phim Việt Nam. Ngoài ra, phải có chính sách thuế ưu đãi cho phim trong nước cả khâu sản xuất và phát hành. Từ đây, luật cũng phải có quy định số ngày chiếu phim Việt Nam trên mạng lưới chiếu bóng, bởi đó sẽ là chỗ dựa vững chắc khuyến khích các hãng phim tư nhân mạnh dạn sản xuất phim, khuyến khích các nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư cho điện ảnh Việt Nam.
2/ Cũng xuất phát từ tâm điểm ấy, vấn đề xã hội hóa trong điện ảnh phải triệt để, bởi không có lý gì luật kêu gọi sự đầu tư điện ảnh từ vốn nước ngoài, nhưng giám đốc hãng phim chỉ có thể là người Việt Nam (Điều 17). Bởi lẽ những ngành quan trọng liên quan đến đào tạo con người như giáo dục còn mở ra cho người nước ngoài thì tại sao điện ảnh còn khép kín? Vấn đề là ta có đủ mạnh và tự tin trong khâu duyệt phim hay không? Bởi tất cả những tác phẩm điện ảnh sản xuất ở Việt Nam phải theo đúng luật pháp Việt Nam, Bộ VHTT có Hội đồng tư vấn duyệt phim thì tại sao ta phải sợ giám đốc hãng phim là người nước ngoài. Thực tế hiện nay cho thấy Việt kiều đang có khuynh hướng trở về nước làm phim ngày càng nhiều. Hầu hết những bộ phim này đều có giá trị nghệ thuật và đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. “Mùa len trâu” và “Hạt mưa rơi bao lâu” là một chứng minh cụ thể nhất.
3/ Cả một dự thảo Luật Điện ảnh gồm 8 chương, 54 điều luật lại chỉ dành cho những người trực tiếp làm phim vài dòng trong Điều 19 là không hợp lý. Luật phải có những quy định thiết thực về quyền lợi và nghĩa vụ của những thành phần chính làm ra tác phẩm điện ảnh như đạo diễn, biên kịch, quay phim, diễn viên, họa sĩ thiết kế để tránh những tranh chấp sau này. Ví như tranh chấp giữa biên kịch và đạo diễn về tác phẩm điện ảnh. Thực tế trước nay đã có những vụ kiện mà biên kịch và đạo diễn đã phải đưa nhau ra tòa vì biên kịch không đồng tình khi đứa con của mình đã bị đạo diễn lấy mất hồn vía. Và vì không có luật, nên đây là một vấn đề nan giải cho các thẩm phán.
4/ Vấn đề lưu trữ phim cũng là việc mà Luật Điện ảnh cần phải xem xét vì nếu luật giao cho các cơ quan lưu trữ quyền được khai thác phim (Điều 48), được bán cho thuê phim thì tất sẽ nảy sinh hệ quả là công việc chính sẽ biến thành phụ và sẽ gây những phức tạp giữa chủ sở hữu phim và cơ quan lưu trữ, bởi các cơ sở sản xuất phim đã tự có thể khai thác được phim của mình, cần gì phải nhờ đến cơ quan lưu trữ.
Trọng tâm của Luật Điện ảnh là làm thế nào tạo mọi điều kiện để điện ảnh Việt Nam được cất cánh, vì thế vấn đề đầu tư cho công tác đào tạo là điều quan trọng nhất. Và với cánh cửa kinh tế thị trường hiện nay, việc phát triển những tài năng điện ảnh không chỉ trông đợi vào cánh cửa hẹp của ngân sách nhà nước nữa mà phải biết huy động được nguồn vốn toàn xã hội trong việc tìm ra nguồn nhân lực dồi dào cho điện ảnh. Những nền điện ảnh mạnh trên thế giới không có ở đâu dựa vào ngân sách nhà nước, mà chỉ dựa vào bộ luật hoàn chỉnh đủ cơ sở để bảo trợ và phát triển nền điện ảnh dân tộc…
BÍCH CHÂU