
Sau những trận mưa chuyển mùa, hàng loạt chợ trên địa bàn TPHCM bị ngập lụt. Điều đó cho thấy các chợ đã xuống cấp trầm trọng. Điều đáng nói là trong số các chợ này có cả những ngôi chợ cấp 1 thu hút khá nhiều khách đến mua sắm, tham quan như chợ Bến Thành và Bình Tây.
Cùng nhau… xuống cấp

Tiểu thương giăng bạt để tránh dột tại chợ Bình Tây Ảnh: ĐỨC TRÍ
Sau cơn mưa lớn sáng ngày 13-4, khu vực rau củ quả của chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) trở nên nhớp nháp, bẩn thỉu. Ngay trong nhà lồng chợ, rau củ hư dạt từ các sạp hàng tuôn xuống nền xi măng, hòa lẫn với nước dơ, đất cát. Nhìn lên trên, nhiều nơi rỉ sét, thủng lỗ chỗ và nước mưa theo các lỗ thủng rơi xuống.
Khách vào chợ phải xắn quần lên đến gối... Một chị bán rau muống lắc đầu ngao ngán: “Mưa thì chợ này vậy đó, đã mấy năm nay rồi”.
Tại chợ Vườn Chuối, ngoại trừ khu vực quần áo, vàng bạc, mỹ phẩm… khá sạch sẽ, còn lại các khu vực bán rau củ, thịt cá đều ướt át, lầy lội và rất mất vệ sinh do nước mưa.
Ngay cả chợ Bến Thành (quận 1), điểm đến quen thuộc của nhiều du khách cũng có chung số phận với 2 chợ trên sau những cơn mưa vừa qua. Nhiều tiểu thương ở chợ này cho biết: “Tụi tui quen sống chung với dột và nước ngập rồi. Chỉ sợ sẽ tạo ấn tượng xấu với du khách thôi”.
Có mặt tại chợ Bến Thành trong một ngày mưa lớn, chúng tôi chứng kiến nhiều vị khách người Nhật, người Mỹ phải lấy bao ni lông quấn chặt từ chân lên đến gối để lội. Trong số đó, có nhiều vị khách bày tỏ sự ngạc nhiên vì sao một ngôi chợ được xem là biểu tượng văn hóa của TPHCM lại xuống cấp nghiêm trọng đến như vậy?!
Được xây dựng từ năm 1928 và duy tu sửa chữa năm 1992, đến nay chợ Bình Tây cũng đã xuống cấp trầm trọng đến mức có thể gây nguy hiểm cho tiểu thương và khách đi chợ. Đà vòm chịu lực bị xé nứt, mái ngói xuống cấp bị vỡ và thấm dột nhiều nơi. Vào mùa mưa, tình trạng xuống cấp càng đáng báo động.
Chỉnh trang, khi nào?!
Nguyên nhân chợ xuống cấp do đa phần các chợ truyền thống đều đã được xây dựng từ rất lâu. Như chợ Bến Thành từ khi thành lập vào năm 1859 rồi xây mới vào tháng 3-1914 đến nay, chợ chỉ trải qua vài lần tu bổ nên cũng đã quá “già nua”. Do xây dựng cách đây khá lâu nên nền chợ hiện thấp hơn khá nhiều so với mặt đường nên bị ngập khi trời mưa là điều khó tránh khỏi.

Du khách phải trùm chân bằng bao ni lông để vào chợ Bến Thành. Ảnh: SAKURA
Tuy nhiên, việc các chợ đồng loạt xuống cấp không thể không nhắc đến lỗi của các tiểu thương trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Nhiều tiểu thương vẫn thản nhiên đổ nước dơ ngay tại chỗ và vất rác lung tung. Chính rác, bao ni lông do họ vứt xuống đã chắn ngang các cống thoát nước, góp phần gây ngập.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các chợ hoạt động, UBNDTP cũng nên sớm lên kế hoạch để chỉnh trang lại các chợ, nhất là các chợ cấp 1. Ban quản lý chợ Bình Tây cho biết vừa trình UBND quận 6 kế hoạch gắn khung lưới áp sát mái ngói ở những khu vực rui mè (phần dùng để đặt mái ngói) bị bong tróc để bảo vệ an toàn cho tiểu thương và người đi chợ. Dự kiến, chi phí cho việc gắn khung lưới này khoảng 300 triệu đồng.
Riêng tình trạng chợ Bến Thành bị ngập mỗi khi mưa lớn, ông Phạm Văn Tân, Phó ban quản lý chợ cho biết, mặc dù chợ ngập nước ảnh hưởng đến hoạt động bán buôn của tiểu thương và mỹ quan chợ nhưng ban quản lý cũng chỉ có thể… ngồi nhìn chứ không có cách nào khắc phục. Việc nâng nền chợ để tránh ngập là không thể, vì nâng nữa sẽ… “đụng nóc”.
Ban quản lý chợ chỉ mong hệ thống thoát nước của khu vực trung tâm được nạo vét thường xuyên, thoát nước tốt để hạn chế tình trạng nước mưa tràn vào chợ trong mùa mưa năm nay.
M.Thi – T.Ý