Chợ quê miềnTây

Cách chung cư tôi đang sống vài trăm mét có một nhóm chợ “chồm hổm” mới vừa mọc lên. Người dân có con cá, cọng rau, con tép… mang ra bày bán. Ai có nhu cầu thì ghé mua, giao dịch giữa người mua kẻ bán cũng trở nên tấp nập, dần dà mọi người gọi đó là “chợ”.
Mấy cô bán hàng ở chợ chồm hổm miền Tây thiệt thà như tính cách của người dân nơi đây
Mấy cô bán hàng ở chợ chồm hổm miền Tây thiệt thà như tính cách của người dân nơi đây

Mọi người bán gì thì bên dưới lót tấm đệm bằng nhựa hay cói, rồi “đổ xá” ra bán, chứ không có lô, sạp như một số chợ lớn mà chúng ta thường thấy. Phiên chợ được nhóm từ sáng tinh mơ đến xế trưa thì tan, rồi từ xế chiều, chợ được nhóm đến chạng vạng tối thì vãn và cứ lặp lại mỗi ngày như vậy.

Giờ tan tầm, nắng chiều đã dịu mát, đường phố xe cộ qua lại không mấy đông đúc bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một đoạn đường vài trăm mét, hai bên bày biện nhiều loại nhu yếu phẩm, có chỗ bán tôm cá, trái cây, có chỗ bán thịt các loại... Mọi người thích thì ghé vào lựa, tạo nên một không khí khá nhộn nhịp nhưng ai cũng chấp hành tốt nguyên tắc 5K. Tôi ghé đại vào một chỗ bán rau củ. Vừa ghé vào, cô mở lời mời gọi thiệt thà, chất phác đến mát lòng mát dạ: “Con mua gì mua tiếp cô Hai đi, rau củ mới hái tươi lắm. Con mua cô Hai bán rẻ cho; dịch này bán ế quá con ơi!”. Tôi nhìn thấy số rau củ cô bán không thua gì siêu thị, nào là rau muống, mồng tơi, rau dền, bầu, bí, củ cải, bắp cải các loại… cho đến trứng gà, trứng vịt, trứng cút đều có đủ. Mặc dù không niêm yết giá, vậy mà mỗi loại cô đều nhớ vanh vách: rau muống 15.000 đồng/ký, trứng gà 20.000 đồng/chục, bầu 13.000 đồng/trái… không sót một món.

Tôi mua 1 bó rau muống, cô cho vào túi ni lông cẩn thận, rồi đem đi cân. Cân xong, như mấy cô mấy thím ở miền Tây Nam bộ, thiệt là đon đả: “Cô cân dư chút đỉnh cho con, coi như làm quen, lần sau có mua gì thì ghé mua ủng hộ cô nha!”. Tôi thấy vậy, mua tiếp một vài loại rau củ nữa, thêm vài củ su hào, vài củ cải trắng… rồi tính tiền luôn thể. Tổng hết có vài chục ngàn đồng, tôi gửi cô tiền có dư, rồi nói cô không cần thối lại vì bán có lời bao nhiêu đâu mà mỗi cái cô đã thêm một chút rồi. Vậy mà, cô vội vã lấy thêm vài tép hành, mấy trái ớt kèm theo mớ rau củ mà tôi vừa mua. Cô nói: “Coi như cô Hai tặng, có nhiêu đâu, cây nhà lá vườn thôi, không lỗ đâu mà sợ! Cô cháu mình không mà, lần sau nhớ ghé ủng hộ cô nghen”.

Ngồi kế bên, ông anh Tám Hào, tôi đoán trạc tuổi ngoài 40,  có mớ cá trắng vừa chài được dưới sông. Anh nở nụ cười tươi: “Mua đi chú em, anh bán rẻ cho. Chim trời cá nước mới vừa bắt được, mua ủng hộ anh đi. Anh bán rẻ hết sớm về sớm với vợ con em ơi”. Hỏi ra, mấy con cá phi, mè vinh, cá he… còn nhảy đành đạch mà bán giá rẻ bèo. Anh nói, bán rẻ cho chú em luôn, 1 ký dư chút mà thôi lấy chẵn luôn, 50.000 đồng! Vậy là coi như tôi đã có được buổi cơm chiều thật ngon lành.

Thấy đó, tôi với họ chưa hề quen biết, nhưng một lần mua bán mà đã kết thân như đã quen nhau từ lâu lắm rồi. Tôi tin rằng, nếu ai đến miền Tây cũng sẽ có một cách cảm nhận như tôi khi đặt chân đến mảnh đất thân thương này, đặc biệt là trải nghiệm ở những khu chợ “chồm hổm” được xem như một nét văn hóa trong sinh hoạt của người dân Nam bộ. Nói như nhà văn Sơn Nam, có thể hiểu miền Tây Nam bộ là vùng đất phì nhiêu, cá tôm, rau củ ê hề, trái cây đủ loại, mùa nào thức ấy đủ cả. Do thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này, nên tính hào sảng, phóng khoáng, thân thiện của họ cũng được hình thành từ chính đặc điểm tự nhiên, góp phần tạo nên một bản sắc rất riêng thật ấn tượng trong văn hóa giao tiếp của người miền Tây.

Tin cùng chuyên mục