Chợ tự phát, dẹp cách nào?

Người dân tự ý chiếm lòng lề đường, chân cầu… để nhóm chợ “chồm hổm” đã gây nhiều phiền toái như rác, nước thải tràn lan gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, điều đáng lo ngại được đặt ra là chuyện an toàn giao thông và văn minh đô thị.        Có công nhân, có chợ “chồm hổm”
Chợ tự phát, dẹp cách nào?

Người dân tự ý chiếm lòng lề đường, chân cầu… để nhóm chợ “chồm hổm” đã gây nhiều phiền toái như rác, nước thải tràn lan gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, điều đáng lo ngại được đặt ra là chuyện an toàn giao thông và văn minh đô thị.

        Có công nhân, có chợ “chồm hổm”

Tại khu vực cầu Mỹ Thuận (trên đường An Dương Vương, đoạn giáp ranh giữa phường An Lạc quận Bình Tân với phường 16 quận 8 và phường 10 quận 6), người dân tự ý nhóm chợ “chồm hổm”. Cứ mỗi sáng sớm và buổi chiều, hàng ngàn công nhân của các xí nghiệp, công ty ở đây lại tràn ra chợ “chồm hổm” này để chuẩn bị cho bữa ăn. Đường hẹp, người và xe cộ đông nên thường xuyên gây ách tắc giao thông ở đoạn đường này.

Ông Lê Thanh Hùng, nhà ở quận 8, than thở: “Vì công việc nên hàng ngày tôi phải đi qua con đường này, nhưng mỗi khi đến đoạn chợ ở chân cầu Mỹ Thuận tôi rất ngán, nhất là sau những cơn mưa, đoạn đường càng lầy lội, dơ bẩn”.

Còn chợ rau quả tự phát trên đường Lê Văn Thọ quận Gò Vấp (đoạn từ đường Phạm Văn Chiêu đến Lê Đức Thọ) cũng “làm khổ” người dân không kém. Thầy Huỳnh Khả Minh, công tác ở Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, do nhà xa nên thầy phải thường xuyên đi sớm để kịp giờ đến trường, nhưng mỗi khi đến đoạn đường này thì luôn bị kẹt xe.

Chị Bé Hai, chủ một tiệm tạp hóa nhỏ trên đoạn đường này, cho biết: “Buổi sáng khoảng từ 5 giờ 30 đến 7 giờ 30 phút, còn chiều từ 14 giờ đến 15 giờ, khúc đường này gần như bị… đóng băng”. Theo chị, đường hẹp, xe cộ đông, cộng với hàng ngàn công nhân của mấy công ty, xí nghiệp ở đây tràn ra chợ “chồm hổm”, nên sáng và chiều xảy ra kẹt xe là chuyện… thường ngày!

Người mua bán chiếm mặt cầu Mỹ Thuận để nhóm chợ.

Người mua bán chiếm mặt cầu Mỹ Thuận để nhóm chợ.

        Dẹp không được, để không xong

Ông Lại Tấn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND phường 10 quận 6, cho biết: “Cái khổ nhất là chợ tự phát dưới chân cầu Mỹ Thuận chỉ nhóm họp bên phía địa bàn phường 10, phường đã liên tục giải tỏa nhưng không xuể. Ở đây, bà con mua bán chỉ mấy rổ cá, mẹt rau, xe đẩy… nên khi phường dẹp thì bà con bưng thúng, rổ chạy qua phía bên kia phường An Lạc hoặc qua chạy phía phường 16 quận 8, vì thế đành… bó tay”.

Theo ông Nghiệp, để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có sự phối hợp thường xuyên, liên tục của hai phường giáp ranh, chứ bản thân phường 10 không thể dẹp được, bởi “dẹp xong buổi sáng thì buổi chiều đâu lại vào đấy, đây là bài toán nan giải cho phường 10”.

Ông Phạm Tấn Rạng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường 14 quận Gò Vấp, cũng than vì quá khổ với chợ rau quả “dã chiến” trên đường Lê Văn Thọ. Chỉ tính từ đầu năm 2009 đến nay, phường đã phạt 156 trường hợp với trên 100 triệu đồng, nhưng “phạt thì phạt, còn người mua bán thì vẫn cứ mua bán”.

Theo ông Rạng, trên địa bàn phường 14 hiện có trên 330 công ty, xí nghiệp… với gần hàng ngàn công nhân, nên nhu cầu mua bán rất lớn, “dù vậy cũng không thể để cho họ mua bán ở đây được vì gây ách tắc giao thông nhưng bố trí họ vào nơi nào thì phường cũng khó, vì hiện tại chợ tạm Thạch Đà trên địa bàn phường đã quá tải”.

Đây không phải là cái khó của riêng phường 14 quận Gò Vấp hay phường 10 quận 6, mà là cái khó chung của những địa phương có chợ “chồm hổm”. Dẹp không được, để cũng không xong, còn bố trí họ vào đâu thì ngoài khả năng của phường. Bài toán này lẽ nào không có lời giải? 

ĐĂNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục