Chợ xây tiền tỷ, chỉ để… ngó

Đã có nhiều chợ truyền thống tại TPHCM được xây mới với kinh phí hàng tỷ đồng, nhưng rồi lâm vào cảnh đìu hiu, ế ẩm, vì người mua không muốn mất công gửi xe, xách giỏ vào chợ, trong khi có thể dễ dàng ngồi ngay trên xe tấp vào lề đường mua bó rau, mớ cá ở các chợ tự phát trên vỉa hè.
Chợ xây tiền tỷ, chỉ để… ngó

Đã có nhiều chợ truyền thống tại TPHCM được xây mới với kinh phí hàng tỷ đồng, nhưng rồi lâm vào cảnh đìu hiu, ế ẩm, vì người mua không muốn mất công gửi xe, xách giỏ vào chợ, trong khi có thể dễ dàng ngồi ngay trên xe tấp vào lề đường mua bó rau, mớ cá ở các chợ tự phát trên vỉa hè.

Dãy tầng trệt chợ Thạnh Mỹ Lợi vắng người mua bán. Ảnh: G.H.

Đìu hiu như chợ chiều

Hơn 10 năm đưa vào hoạt động, chợ Phú Hữu (đường Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, quận 9) vẫn đìu hiu. Một số tiểu thương đành dọn hàng ra đường bán kiểu chợ tự phát tại ngã ba phường. Số khác, buôn bán ế ẩm, cụt vốn phải đóng cửa sạp đi làm thuê. Có người đổ nợ vì trước đây vay lãi cao để mua sạp. Có mặt tại chợ này vào 7 giờ 30 ngày cuối tuần, chúng tôi thấy chỉ có 1 sạp rau, 1 sạp trái cây, 2 sạp thịt heo, 1 sạp bán gạo và nước mắm hoạt động, nhưng chẳng thấy bóng người mua. Thỉnh thoảng các tiểu thương vật vờ qua lại trò chuyện cùng bạn hàng. Một số tiểu thương tranh thủ ngủ một giấc rồi dậy dọn hàng về. Chị Phạm Thị Thanh than: “Tôi sang sạp ở đây 40 triệu đồng, tu sửa lại gần 20 triệu đồng nữa. Thời điểm năm 2004 thì đây là cả một gia tài, nhưng hơn 10 năm nay chúng tôi phải sống lây lất. Thậm chí, có ngày doanh số bán không được 10.000 đồng”.

Ở quận 2 (đoạn qua hầm Thủ Thiêm), có chợ Thạnh Mỹ Lợi được xây dựng với kinh phí gần 30 tỷ đồng, cũng rơi vào cảnh đìu hiu. Buổi sáng, chỉ lác đác vài chục tiểu thương kinh doanh, dù chợ đã đi vào hoạt động 10 tháng nay. Thấy tình cảnh ế ẩm này, UBND quận 2 bố trí lấp đầy 196/233 quầy, nhưng nhiều tiểu thương nhận sạp rồi… khóa cửa để đó. Theo Ban quản lý chợ Thạnh Mỹ Lợi, chợ được xây dựng để tái bố trí cho các tiểu thương diện di dời, giải tỏa của chợ An Khánh, chợ Thủ Thiêm và một số hộ có nhà đất di dời trong khu đô thị mới Thủ Thiêm cư trú thực tế ở quận 2. Trong số các hộ này, ưu tiên diện hộ nghèo, cận nghèo. Chủ sạp Uyên Vân SK-93, chuyên kinh doanh ngành hàng khô (dầu ăn, mắm muối…) ở chợ này, vừa buôn bán nhưng phải tranh thủ gia công áo khoác cho một công ty để kiếm thêm chút đỉnh tiền công. Chị Vân nói: “Đầu tư hơn 70 triệu đồng tiền hàng, nhưng hôm nào may lắm mới lời được vài chục ngàn đồng. Bình thường, lời chỉ 4.000 đến 7.000 đồng/ngày. Có khi vắng khách phải đóng cửa về sớm”. Xung quanh sạp SK-93, nhiều chủ sạp kinh doanh tạp hóa cũng ế ẩm, tụm năm tụm ba buôn chuyện với nhau cho đỡ buồn. Chủ sạp SK-49 kiến nghị: “Khó khăn lắm. Đã ế, mỗi tháng tiểu thương còn phải đóng khoảng 500.000 đến 700.000 đồng, tùy diện tích sạp chợ, gồm các khoản tiền như điện, nước, phí quản lý (80.000đồng/m²), phí thuê sạp (50.000 đồng/m²), tiền thu gom rác… Chúng tôi mong lãnh đạo địa phương tiếp tục xem xét, giảm phí trong thời gian tới để tiểu thương có hy vọng trụ lại chợ”.

Một số chợ khác như Tân Phú (đường số 120, phường Tân Phú, quận 9), Văn Thánh (quận Bình Thạnh)… được xây khang trang nhưng khách đến thưa thớt. Theo các tiểu thương, mặt hàng tươi sống còn hút được người mua, riêng các ngành hàng thực phẩm khô, may mặc, mỹ phẩm… thì khách chỉ xem là chính.

Hỗ trợ nhưng vẫn khó

Ông Nguyễn Công Minh, Quản lý chợ Phú Hữu,  phân tích: “Chợ này thua ngay từ khi xây dựng. Vị trí chợ nằm giữa khu dân cư thưa thớt. Việc bố trí sạp vì quá tham số lượng mà thu nhỏ diện tích, nên như quầy rau chỉ để vài ba mớ rau là hết chỗ. Quầy thịt nhỏ xíu, xây cao ngang ngực người, đặt thêm cái thớt là cao bằng cổ người nên rất khó thái, chặt thịt. Tháng 7-2012, phường Phú Hữu có lên kế hoạch sửa chữa chợ và kêu gọi mỗi tiểu thương đóng 25 triệu đồng/sạp. Nhưng đây là số tiền quá lớn đối với những tiểu thương 10 năm nay bỏ vốn mà không mưu sinh được ở chợ”.

Ông Trần Văn Sơn, Trưởng Phòng Kinh tế UBND quận 9, thừa nhận: “Chợ Tân Phú và chợ Phú Hữu chưa phát huy được công năng, hiện còn nhiều quầy sạp bỏ trống, gây lãng phí. Trong thời gian tới, quận tiếp tục phối hợp với phường vận động tiểu thương vào chợ, dẹp chợ tự phát. Mặt khác, quận kêu gọi chủ đầu tư bên ngoài vào hợp tác phát triển và khai thác chợ, đúng theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Khi đường song hành với xa lộ Hà Nội hoàn tất, quận sẽ đề xuất phân luồng giao thông sao cho phù hợp với quy hoạch của chợ, đồng thời phối hợp với chủ đầu tư triển khai tu sửa chợ để thúc đẩy kinh doanh”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Huỳnh Thị Thanh Hiền, Phó Chủ tịch UBND quận 2, nói: “Kinh phí xây dựng chợ do UBND thành phố phê duyệt, quận 2 là đơn vị thụ hưởng, trên tinh thần hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân. Nhẩm tính, kinh phí xây gần 30 tỷ đồng, với mức phí thu như hiện nay, có lẽ 100 năm sau chưa chắc đã thu hồi được vốn, chứ nói gì có lời. Chúng tôi rất chia sẻ những khó khăn này của tiểu thương, nên ngay từ khi chợ đi vào hoạt động (ngày 1-10-2013), UBND quận đã đề nghị Chi cục Thuế xem xét không tính thuế khoán 1 năm đối với các tiểu thương. Ngoài ra, quận còn hỗ trợ miễn giảm, ưu tiên khác như đưa tuyến xe buýt số 99 vào hoạt động, chủ động giảm phí cho tiểu thương kinh doanh tại chợ… Hiện UBND quận đã làm việc với Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 2 xem xét, từng bước có những biện pháp tháo gỡ đối với những kiến nghị của tiểu thương”.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, mặc dù chính quyền địa phương có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhưng vấn đề còn nằm ở chỗ thói quen người tiêu dùng là muốn mua bán trên vỉa hè, lề đường. Do vậy, trước hết cần phải giải phóng các chợ tự phát, buôn bán lấn chiếm lề đường để khuyến khích khách vào chợ.

THI HỒNG - THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục