Hàn Quốc luôn tự hào là một xã hội có tỷ lệ người sử dụng Internet cao nhất thế giới. Tuy nhiên, kể từ khi áp dụng quy định mới nhằm kiểm soát Internet hơn một tháng qua, trẻ em Hàn Quốc đã trở thành đối tượng bị kiểm soát chặt chẽ nhất thế giới.
Quy định mới có hiệu lực từ ngày 1-7 cho phép các phụ huynh phải kiểm soát thời lượng và trò chơi của con cái mình, khống chế cả số tiền chi vào việc chơi game. Luật kiểm soát trẻ chơi game online liên quan đến 100 trò chơi trên mạng phổ biến nhất tại Hàn Quốc. Các nhà cung cấp game phải cài đặt hệ thống kiểm soát này.
Một số tờ báo phương Tây nhận định có thể đây là chế tài “duy nhất trên thế giới” nhằm cai nghiện game online đối với thế hệ tương lai của Hàn Quốc. Thời gian gần đây, Chính phủ Hàn Quốc rất chú ý đến các hiểm họa do “phụ thuộc vào Internet” khi rất nhiều thiếu niên xem trò chơi điện tử như phương thức giải trí chính. Theo một thống kê chính thức mới đây, khoảng 10% thiếu niên Hàn Quốc nghiện chơi game online với nhiều mức độ khác nhau. Bộ trưởng Gia đình Hàn Quốc Choi Young Hee khẳng định game online có thể so sánh với ma túy.
Gần đây, một số vụ án kinh hoàng đã khiến chính quyền Seoul phải có biện pháp mạnh với trò chơi điện tử trên Internet. Tháng 4-2012, một phụ nữ có mang đã sinh con ngay trong nhà vệ sinh, rồi giết con mới đẻ để tiếp tục chơi game. Điều luật mới là sự bổ sung thêm vào một luật nổi tiếng khác với tên gọi Luật Cinderella được áp dụng vào đầu năm 2012 bị ngành công nghiệp trò chơi điện tử phản đối gay gắt. Luật này quy định cắt đường truy cập của trẻ dưới 15 tuổi, từ nửa đêm đến 6 giờ sáng.
Bà Cho Eun Sook, giám đốc một trung tâm chống nghiện Internet tại Seoul, lưu ý rằng các công cụ này chỉ có hiệu quả nếu các cha mẹ thực sự lưu tâm áp dụng. Hiện tại chưa có một kế hoạch nào kêu gọi sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Còn các doanh nghiệp cần hiểu rằng để tồn tại, họ cũng phải chung tay giải quyết vấn đề của xã hội.
Tuy nhiên, điều bà Cho Eun Sook lo ngại nhất, luật mới không “tấn công” vào gốc rễ của nạn nghiện game online. Đó là sự cạnh tranh thái quá ở nhà trường ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ và sự tôn sùng quá mức thành công trong học tập. Đây trở thành nguyên nhân khiến trẻ em bị hụt hẫng nặng nề, bi quan và rồi sẽ tìm đến game, thế giới ảo để giải tỏa căng thẳng. Trong khi đó, Hoon-hyun, một học sinh trung học 18 tuổi, cho biết trước những áp lực từ việc học tập và cuộc sống, một số bạn trẻ không có lối thoát, không tìm thấy chỗ đứng của mình trong xã hội.
Với các nước có trình độ công nghệ cao như Hàn Quốc hay Nhật Bản, theo Hoon-hyun, phương tiện dễ dàng nhất để trốn chạy các vấn đề gặp phải trong cuộc sống là trú ẩn trong thế giới ảo và các trò chơi điện tử.
Đỗ Cao