Chủ đầu tư BOT Bến Lức: Không có “chủ trương” đối phó với tài xế

"Chủ đầu tư dự án không có chủ trương, kế hoạch gì để đối phó với tài xế, nếu có ai đó “kiếm chuyện” như những trạm thu phí trước đây đã gặp...", đại diện liên doanh chủ đầu tư dự án BOT Bến Lức (Long An) cho biết tại buổi họp báo thông tin về dự án này sáng 7-6.

Ngày 7-6, UBND tỉnh Long An đã tổ chức buổi họp báo thông tin về Dự án đầu tư xây dựng Đường tỉnh 830 và Đường tỉnh 824 (từ cầu An Thạnh đến thị trấn Đức Hòa) theo hình thức BOT.

Tại buổi họp báo, của ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Công ty Băng Dương, đại diện liên doanh chủ đầu tư dự án này, cho biết: "Tổng vốn đầu tư cho dự án là 1.079 tỷ đồng. Trong đó, chủ đầu tư góp vào 15% vốn, số còn lại thì vay ngân hàng. Thời gian dự kiến đưa trạm thu này vào hoạt động là khoảng trung tuần tháng 6-2018. Trong vùng dự án, các xe của người dân không kinh doanh thì được miễn phí 100%, xe có kinh doanh thì mua vé tháng (một ngày có đi mấy lượt cũng chỉ có đóng tiền 1 lần)".

Chủ đầu tư BOT Bến Lức: Không có “chủ trương” đối phó với tài xế ảnh 1 Đại diện chủ đầu tư dự án phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: KIẾN VĂN

Cũng theo ông Cường, trên tuyến đường của dự án, nếu có xe nào gặp sự cố, tai nạn khi lưu thông thì sẽ có đội cứu hộ, cứu nạn của chủ đầu tư kịp thời hỗ trợ (chi phí sẽ được miễn phí).

"Đặc biệt, chủ đầu tư dự án không có chủ trương, kế hoạch gì để đối phó với tài xế, nếu có ai đó “kiếm chuyện” như những trạm thu phí trước đây đã gặp. Và chủ đầu tư sẽ cho xả trạm ngay nếu có kẹt xe", đại diện liên doanh chủ đầu tư dự án nói.

Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết: Mục đích của buổi họp báo là để thông tin rõ ràng cho người dân được hiểu, trước khi đưa trạm thu này vào hoạt động. Còn trạm này có đổi tên lại là trạm thu phí hay không thì còn phải chờ hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ.

Dự án đầu tư xây dựng ĐT.830 và ĐT.824 (toàn tuyến dài gần 24km) là 1 trong 3 dự án trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X. Tuyến đường này được xem là trục giao thông huyết mạch cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực giáp với TPHCM, nối liền khu vực phát triển công nghiệp năng động với Quốc lộ 1A và khu Cảng Long An theo đường Bến Lức - Tân Tập đang được đầu tư. Khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của các tổ chức kinh tế, người dân tại khu vực và chỉnh trang đô thị thị trấn Đức Hòa, Bến Lức; thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế, tỉnh Long An quyết định đầu tư theo dạng BOT. Tuyến đường đã được khởi công xây dựng từ tháng 11-2016, đến tháng 6-2018 được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng.

Hiện nay, tuyến đường đã được xây dựng hoàn thiện, có mặt đường thảm bê tông nhựa nóng rộng 15m có dải phân cách giữa và bố trí chiếu sáng trên toàn tuyến, xây dựng mới 8 cầu (phần xe chạy rộng 7m/cầu) đặt bên cạnh các cầu cũ để đảm bảo lưu thông đồng bộ 4 làn xe với vận tốc 80km/h và 60km/h cho các đoạn trong đô thị được an toàn, tải trọng thiết kế xe trục 12 tấn. Các đoạn qua thị trấn Bến lức - Đức Hòa và các đoạn có dân cư tập trung được xây dựng hệ thống thoát nước, vỉa hè đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan…

Giá vé qua trạm đối với vé lượt thấp nhất 25.000 đồng/vé, cao nhất 165.000 đồng/vé.
Phương tiện đi qua 2 trạm thu dịch vụ sử dụng đường bộ trên cùng 1 hướng trong ngày (có giá trị trong 24 giờ) thì chỉ trả tiền cho 1 lần mua vé.
Đối với vé tháng, thấp nhất 750.000 đồng/vé, cao nhất 4.950.000 đồng/vé.
Đối với vé quý, thấp nhất 2.025.000 đồng/vé, cao nhất 13.365.000 đồng/vé. 

Tin cùng chuyên mục