Một cái tết cổ truyền nhẹ nhàng, ấm cúng đối với hầu hết người dân TPHCM vừa qua đi, để lại nhiều suy ngẫm. Điều dễ thấy trước hết là sự ổn định giá cả của những mặt hàng thiết yếu - một tác động tích cực không nhỏ đến không khí Tết Nguyên đán Kỷ Sửu. Có thể nói, đó là nỗ lực của một guồng máy các cấp chính quyền thành phố và ngành thương mại nhằm hỗ trợ 9 doanh nghiệp thương mại chủ chốt hoạt động ổn định, chủ động cung ứng đầy đủ nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng trong dịp tết.
Tuy nhiên, những mặt hàng không có nhu cầu thiết yếu khác như bia, rượu, nước giải khát… được thả nổi, tha hồ làm giá, hành hạ “thượng đế”. Chưa nói đến một lĩnh vực luôn là đề tài tạo sự quan tâm, chú ý của dư luận về giá cả tăng vọt gấp nhiều chục phần trăm đến nhiều lần mỗi dịp tết đến - lĩnh vực vận tải hành khách.
Để tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả ở thị trường này chắc chắn cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành, nhiều địa phương trong một không gian rộng lớn hơn, chứ không chỉ phụ thuộc nỗ lực riêng của một cấp chính quyền tỉnh, thành phố hay một ngành giao thông vận tải.
Thời điểm 1-1-2009, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường bán lẻ nội địa cũng vừa qua đi trước đó. Nỗi lo về sự đổ bộ của các tập đoàn bán lẻ quốc tế vào thị trường nội địa tạm nguôi ngoai, vì không có một dấu hiệu đột biến nào cả. Tuy nhiên, đó không phải là điều đáng mừng! Vì, các nhà quản lý kinh tế vĩ mô đã nhanh tay phê duyệt cho các “đại gia” bán lẻ nước ngoài xâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam trước đó, ngay trong quá trình đàm phán Việt Nam gia nhập WTO. Các đại gia đã có đủ thời gian dần dần, từ từ, thong thả xây dựng được phần nào “vương quốc” bán lẻ của mình tại thị trường Việt Nam.
Còn nữa, thị trường hàng tiểu ngạch khó kiểm soát vô tư hoạt động sôi nổi không kém lâu nay đã và đang áp đảo doanh nghiệp và thị phần trong nước. Chính vì vậy, thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ chỉ còn ý nghĩa là dấu ấn về sự cam kết của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, chứ hoàn toàn không thể hiện một tác động dù nhỏ nhất nào của quản lý nhà nước trên lĩnh vực thương mại này.
Năm mới, nói chuyện cũ - câu chuyện giá gạo. Có ý kiến cho rằng, nếu chúng ta không học đầy đủ được bài học kinh nghiệm về kiểm soát thị trường gạo, kể cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, thì cơn sốt gạo vẫn có dịp và thời cơ bùng phát. Vì, lương thực - mà ở Việt Nam là lúa gạo, trong tương lai vẫn và sẽ là thế mạnh chủ yếu của các nước xuất khẩu mặt hàng này, trong đó có Việt Nam.
Cho dù kinh tế thế giới có khá lên, nhu cầu nhân loại sẽ chuyển sang tiêu thụ thịt, sữa, trứng các loại, thì cũng cần phải có một lượng lương thực khá lớn để phục vụ chăn nuôi. Còn trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, trong khi những thế mạnh là thị trường xuất khẩu các loại mặt hàng suy giảm liên tục, thì một điều chắc chắn là xuất khẩu gạo, kể cả thị trường gạo nội địa, vẫn còn nhiều “cửa” tồn tại và phát triển.
Cũng trong thời điểm khó khăn này, cần có chủ trương điều tiết, kiểm soát, phát triển thị trường nội địa nói chung, không chỉ riêng lúa gạo, một mặt bù đắp sự thiếu hụt của thị trường xuất khẩu, mặt khác tận dụng và lấy lại một thị trường không hề nhỏ – thị trường đông dân mà các nước khác cũng đang dòm ngó và tìm mọi cách tiếp cận. Sự thừa nhận của vị cựu Bộ trưởng Thương mại về việc không xây dựng được thị trường bán lẻ nội địa qua hai nhiệm kỳ tại vị, có lẽ cũng có một chút giá trị thực tiễn nào đó cho các nhà quản lý đương nhiệm.
Châu Long