Chủ động ngăn chặn gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng

Hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm qua trở thành vấn đề "nóng" trên nhiều diễn đàn, bởi không ít doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế dẫn đến ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng gian lận hoàn thuế VAT gây thất thoát ngân sách và bất bình đẳng trong kinh doanh.

Chuyên viên thu Chuyên viên thuế tại TPHCM làm thủ tục hoàn thuế cho các tổ chức, doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chuyên viên thu Chuyên viên thuế tại TPHCM làm thủ tục hoàn thuế cho các tổ chức, doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhiều trường hợp gian lận

Đầu tháng 6-2023, Tòa án nhân dân TPHCM xét xử vụ án liên quan đến Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức. Trong đó, có 18/67 bị cáo là cán bộ thuế bị truy cứu do liên quan giúp sức cho nhóm tội phạm chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT. Thủ đoạn của nhóm tội phạm này là lập hàng loạt công ty ma trong và ngoài nước, sản xuất hàng giả, kém chất lượng rồi làm thủ tục xuất nhập khẩu lòng vòng, nâng khống giá trị hàng hóa, sau đó đề nghị hoàn thuế VAT.

Tương tự, mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đưa ra xét xử vụ án mua bán khống hơn 1 triệu hóa đơn VAT, với số tiền trên 64.000 tỷ đồng, quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Từ vụ án này, ngành thuế đã công bố danh sách 524 doanh nghiệp rủi ro cao về hóa đơn và hàng ngàn doanh nghiệp phải giải trình về việc sử dụng hóa đơn của những doanh nghiệp này...

Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Tiến Dũng, thời gian qua đã phát hiện nhiều trường hợp gian lận thuế VAT trong lĩnh vực cao su, dăm gỗ, tinh bột sắn... Khi xác minh thì phát hiện đối tác nước ngoài không tồn tại, hoặc tồn tại nhưng không thừa nhận có giao dịch với doanh nghiệp trong nước. Còn tại Đồng Nai, Cục Thuế tỉnh này đã chuyển hồ sơ của 3 doanh nghiệp sang cơ quan điều tra vì có dấu hiệu gian lận trong hoàn thuế VAT. Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Nai Nguyễn Toàn Thắng cho hay, tổng số tiền đề nghị hoàn thuế có dấu hiệu vi phạm lên tới 679 tỷ đồng.

Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, năm 2023, qua thanh kiểm tra, số tiền hoàn thuế bị thu hồi nộp lại ngân sách hơn 1.035 tỷ đồng. Những trường hợp bị phát hiện gian lận thuế VAT hoặc có dấu hiệu gian lận cùng với việc xử lý hình sự cán bộ thuế vi phạm được cho là những nguyên nhân góp phần khiến công tác hoàn thuế có thời điểm dè dặt, chậm trễ.

Ứng dụng công nghệ, tăng cường thanh tra

Trước những hạn chế trong công tác hoàn thuế VAT, Tổng cục Thuế nhận trách nhiệm trong việc chậm triển khai quản lý rủi ro khi phân loại hồ sơ hoàn thuế theo quy định. Phải đến cuối tháng 10-2023, Tổng cục Thuế mới triển khai toàn ngành ứng dụng phân loại hồ sơ hoàn thuế VAT tự động theo các tiêu chí đánh giá, chấm điểm rủi ro. Làm việc với các cục thuế địa phương có tồn đọng hồ sơ lớn như Hà Nội, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai..., Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) nhận thấy việc phân loại hồ sơ hoàn thuế thủ công trước khi triển khai ứng dụng có tỷ lệ hồ sơ kiểm trước, hoàn sau tăng đột biến so với bình quân các năm. Trong nhiều trường hợp kiểm trước, hoàn sau, các cục thuế địa phương thực hiện xác minh dàn trải, không có trọng tâm...

r5b-6599-1724.jpg
Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TPHCM . Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về giải pháp chống gian lận, thực hiện hiệu quả công tác hoàn thuế VAT thời gian tới, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho rằng, công tác thanh tra cần phải chặt chẽ ngay từ khai lập kế hoạch đến khi có kết quả. “Thanh tra phải chủ động, không chờ doanh nghiệp nộp hồ sơ hoàn thuế rồi mới thanh tra mà phải nắm bắt trước. Cả nước hiện có hơn 8.000 doanh nghiệp thường xuyên hoàn thuế xuất khẩu, nên lập hồ sơ dài hạn về các doanh nghiệp này để chủ động”, ông Mai Xuân Thành nói.

Trong năm 2024, Tổng cục Thuế chú trọng công tác quản lý thuế, hóa đơn điện tử, kiến nghị hoàn thiện quy định ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” để phát hành, sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử nhằm gian lận hoàn thuế, trục lợi ngân sách nhà nước. Đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách quản lý thuế theo hướng phân định rõ ràng hơn trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ thuế với người nộp thuế khi các cơ quan chức năng phát hiện các hành vi gian lận trong hoàn thuế VAT.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết hoàn thuế, từng bước tự động hóa tối đa, số hóa trong tiếp nhận, giải quyết, chi hoàn thuế VAT. Từ đó, đảm bảo công tác hoàn thuế được minh bạch, công khai, kịp thời, đúng quy định pháp luật và phòng chống, ngăn chặn tối đa gian lận; chủ động rà soát các chuỗi doanh nghiệp có mua bán hàng hóa với các doanh nghiệp hoàn thuế trước khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế giúp sớm xác định các trường hợp rủi ro cao về hoàn thuế, đẩy nhanh thời gian hoàn thuế.

Theo Tổng cục Thuế, việc triển khai ứng dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế VAT đã giúp đẩy nhanh công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế, chống gian lận. Đến hết năm 2023, số lượng hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT được đẩy vào ứng dụng để phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế thuộc diện kiểm trước hoàn sau, hoặc hoàn trước kiểm sau là 2.422 hồ sơ. Trong đó, tổng số hồ sơ đề nghị hoàn thuộc diện kiểm trước (bao gồm cả kiểm trước theo luật định và kiểm trước theo phân tích rủi ro) chiếm tỷ lệ khoảng 20% tính trên tổng hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT.

Tin cùng chuyên mục