Chủ động ứng phó dông lốc

Chủ động ứng phó dông lốc

Chỉ một trận mưa dông chiều 13-6 mà Hà Nội đã bị thiệt hại khá nặng, 2 người thiệt mạng, 7 người bị thương, hơn 1.300 cây xanh bị gãy đổ. Đến chiều 14-6 vẫn còn một số nơi chưa dọn dẹp xong và chưa thể tái lập nguồn điện. Từ bài học của Hà Nội, TPHCM đã có kịch bản nào để phòng chống và khắc phục hậu quả khi mùa mưa đã đến và nguy cơ dông lốc đang chập chờn đe dọa?

Cảnh báo nguy cơ

Cùng thời điểm Hà Nội xảy ra dông lốc, ở THCM đã có một trận mưa khá lớn, gây ngập nhiều tuyến đường, một số khu vực đã có cây xanh bị ngã đổ, tuy không gây hậu quả nghiêm trọng. Bạn đọc Thùy Dương (ở đường Võ Trường Toản, phường 2, quận Bình Thạnh) phản ánh: “Sau cơn mưa chiều 13-6, tuyến đường Võ Trường Toản có 2 cây xanh bị gãy đổ, đều có dấu hiệu bị sâu đục bên trong thân. Từ 18 giờ 40 đến 21 giờ, tôi đã phải 3 lần gọi đến số 39351351 đường dây nóng của Phòng Quản lý cây xanh (Khu Quản lý giao thông đô thị Số 1) để báo sự cố gãy cây trước nhà. Mãi đến 21 giờ 30 mới có một tổ công nhân gồm 3 người đến thu dọn, khắc phục. Anh em công nhân làm khá nhanh, chừng 20 phút là xong, nhưng hỏi ra mới hay họ đến chậm vì đã phải đi nhiều nơi cây xanh cũng bị gãy đổ”. Bạn đọc Phan Thanh Huy (ở đường Vườn Chuối, phường 4, quận 3) cũng gọi đến Báo SGGP cho biết, sau khi đọc báo thấy tin dông lốc gây nhiều thiệt hại ở Hà Nội, anh rất lo ở khu phố của anh đang ở, vì có một căn nhà cao tầng đang sửa chữa, mà toàn bộ giàn giáo mặt tiền cao ngất ngưỡng chỉ cách đường dây điện trung thế hơn 1m. “Chỉ cần một cơn dông mạnh là giàn giáo có nguy cơ sụp đổ và đè lên đường dây điện, xảy ra cháy nổ chết người”, anh Thanh Huy lo ngại. Đến ngay hiện trường nơi anh Huy nhắc đến, chúng tôi hiểu nỗi lo lắng của anh là chính đáng. Đó là căn nhà có chiều ngang khoảng 8m, cao 3 tầng lầu, toàn bộ mặt tiền đang dựng giàn giáo cao ngất.

Trưa 15-6, công nhân Công ty Điện lực Sài Gòn rà soát, mé nhánh những cây xanh gây mất an toàn lưới điện trên đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3 (TPHCM).

Chuẩn bị các phương án cụ thể

Ông Trần Thế Kỷ, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết trước mùa mưa bão sắp đến, đơn vị phụ trách cây xanh đã tiến hành mé nhánh những cây có nguy cơ gãy tét, cắt tỉa tán lá, hạ thấp chiều cao cây, phát hiện cây không đảm bảo an toàn để kịp thời xử lý. Chỉ riêng năm 2014, đơn vị phụ trách cây xanh TPHCM đã đốn cải tạo 436 cây, trồng lại 450 cây. Tuy nhiên, một vấn đề được dư luận quan tâm là xử lý thế nào đối với các cây cổ thụ có nhiều nguy cơ gãy đổ. Theo ông Trần Thế Kỷ, đầu năm nay sở đã giao trách nhiệm cho Khu Quản lý giao thông Số 1 kết hợp Công ty Công viên cây xanh tổ chức triển khai, khảo sát và có đánh giá hiện trạng các cây cổ thụ để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp.

Mưa lớn, dông lốc, cây gãy đổ, đè lên đường dây điện sẽ được xử lý ra sao? Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, cho biết: “Hàng năm, trước mùa mưa, công ty đều tiến hành kiểm tra đường dây, mé nhánh cây có nguy cơ ngã đổ vào đường dây điện. Từ đầu năm đến nay, công ty đã kết hợp cải tạo lưới điện và mé nhánh 335 cây xanh, trong đó, chỉ riêng tháng 5 vừa qua đã mé nhánh 101 cây. Mấy ngày nay, sau vụ dông lốc ở Hà Nội, công ty đã tiếp tục cho công nhân, xe gàu đi rà soát để xử lý những điểm không an toàn trên các đường Nguyễn Thị Diệu, Cống Quỳnh... Với những công trình xây dựng có giàn giáo hay cẩu nâng có nguy cơ đe dọa an toàn điện như phản ánh của bạn đọc Báo SGGP, chúng tôi sẽ cho anh em đi kiểm tra liền và có khuyến cáo chủ đầu tư ”.

Giàn giáo một công trình xây dựng trên đường Vườn Chuối, quận 3 chỉ cách đường dây điện trung thế gần 1m.

Về việc tổ chức phối hợp giữa ngành điện lực và cây xanh khi xảy ra dông lốc lớn, ông Nguyễn Hữu Vinh cho biết: “Lâu nay hai bên vẫn kết hợp bình thường, đã có phương án ứng trực. Chiều 16-6, công ty có cuộc gặp với bên cây xanh để bàn thêm phương án phối hợp tốt nhất khi có tình huống thời tiết xấu xảy ra. Hai bên sẽ thống kê và tập trung các phương tiện như xe gàu, xe nâng, tăng cường công nhân trực, đặc biệt là trực ca 2 (từ chiều đến đêm, là thời điểm mưa nhiều). Nếu có gãy cây, mất điện, hai bên sẽ huy động phương tiện, công nhân kịp thời đến xử lý ngay, thậm chí có thể huy động các điện lực lân cận như Điện lực Gia Định, Tân Thuận, hỗ trợ phương tiện, công nhân, cô lập khu vực sự cố để thu dọn và tái lập điện nhanh nhất cho dân”.

Tái lập điện nhanh nhất khi có sự cố

“Trước mùa mưa bão, các công ty điện lực tại TPHCM đã kết hợp với bên cây xanh tiến hành mé nhánh, khai quang những cây có nguy cơ gãy đổ. Đồng thời, chúng tôi đã xây dựng phương án ứng trực khi có tình huống mưa bão theo chỉ đạo của Ban Phòng chống lụt bão TPHCM. Riêng khu vực trung tâm TP, ngành điện lực đã xây dựng xong 100% vạch vòng lưới điện trung thế, đồng thời đã ngầm hóa lưới điện ở khá nhiều tuyến đường, nên khi có sự cố gây mất điện, sẽ kịp thời chuyển tải và tái lập điện rất nhanh”.

Ông PHẠM QUỐC BẢO,
Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM.

THƯ LÊ


Bảo Việt bồi thường 3,6 tỷ đồng cho thiệt hại từ dông lốc ở Hà Nội

(SGGP).- Ngày 16-6, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, doanh nghiệp này đã ghi nhận có 16 khách hàng bị tổn thất bởi dông lốc diễn ra ngày 13-6 được bảo hiểm tại đây. Các tổn thất này đều đã được đơn vị hoàn tất việc giám định hiện trường và ước tính giá trị thiệt hại của 16 khách hàng là khoảng 2 tỷ đồng.

Đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, theo thống kê của Bảo hiểm Bảo Việt, đã có 66 ô tô bị tổn thất, ước tính thiệt hại khoảng 1,6 tỷ đồng. Bảo hiểm Bảo Việt đã hướng dẫn khách hàng phối hợp để khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết cho việc xét giải quyết bồi thường tổn thất kịp thời.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục