Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Hồ Quốc Bằng, chuyên gia cấp cao nghiên cứu về ô nhiễm không khí của Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM).
* PHÓNG VIÊN: Thời gian gần đây, TPHCM luôn xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kéo dài, có những ngày nhiệt độ lên tới 40oC - 41oC, nồng độ tia cực tím (tia UV) luôn vượt ngưỡng quy định. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này?
* PGS-TS HỒ QUỐC BẰNG: Hiện tượng thời tiết cực đoan có nguyên nhân chính từ biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, khó kiểm soát. Hiện tượng này rất dễ tác động tiêu cực đến sức khỏe của mọi người, ảnh hưởng dễ thấy nhất khi tia UV luôn ở mức cao là tác động trực tiếp tới làn da.
* Ông đánh giá như thế nào về mức độ ô nhiễm không khí hiện nay ở TPHCM?
* Nhìn chung, chất lượng không khí ở TPHCM đã bị ô nhiễm. Mặc dù chưa đến mức nghiêm trọng (lượng phát thải SO2 ở thành phố vẫn còn trong ngưỡng Quy chuẩn Việt Nam cho phép), nhưng nếu chúng ta không có các hành động kịp thời để cải thiện tình hình thì tương lai sẽ rất khó kiểm soát.
Theo nghiên cứu của Viện Môi trường và Tài nguyên, TPHCM đang bị ô nhiễm bởi bụi và hạt bụi mịn PM10, PM2.5 (loại có đường kính khí động học chỉ bằng 1/30 đường kính sợi tóc). Nồng độ trung bình năm của PM2.5 của các đô thị ở Việt Nam khoảng 28µg/m3 (cao hơn 3 lần so với khuyến nghị là 10µg/m3), nhưng TPHCM - thành phố hiện đại và lớn nhất nước - có nồng độ PM2.5 lên đến gần 40μg/m3.
* Nguyên nhân dẫn đến tình trạng TPHCM bị ô nhiễm do bụi và các hạt bụi mịn là gì? Nồng độ bụi cao, vượt chuẩn cho phép ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của con người, thưa ông?
* Gần đây, mọi người hay thấy thành phố xuất hiện tượng sương mù bao phủ, dày đặc. Đó là do nồng độ bụi vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Nồng độ bụi cao và hạt bụi mịn ngày càng nhiều là do nguồn khí phát thải không được kiểm soát trong đời sống sinh hoạt và các hoạt động kinh doanh, sản xuất gây ra.
Nghiên cứu tại quận 5 trong năm 2015 cho thấy, kết quả tính toán và ước lượng số người bị tử vong do ảnh hưởng của PM10 là 5 người/năm. Đối tượng dễ mắc phải các loại bệnh này là trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai.
* Để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí nói chung và ô nhiễm do hạt bụi mịn gây ra nói riêng, theo ông, chúng ta cần thực hiện các giải pháp nào?
* Nồng độ bụi phát sinh cao chủ yếu là do các hoạt động từ giao thông, vì vậy giải pháp trước mắt chính là việc đẩy nhanh công tác kiểm tra khí thải xe gắn máy, loại bỏ xe gây ô nhiễm. Số lượng phương tiện giao thông gia tăng ngày càng cao trên địa bàn TPHCM kéo theo tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, cần được hạn chế kịp thời.
Xe gắn máy là phương tiện phát sinh nhiều khí thải nhất, vì vậy cần quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm định khí thải cho tất cả xe gắn máy, chứ không chỉ đối với xe từ 175cm3 trở lên; đồng thời kiểm soát nguồn khí thải từ các nhà máy, khu công nghiệp có lượng khí thải lớn. Giải pháp dài hạn là quy hoạch và phân vùng xả khí thải; giao định mức xả thải đến từng nhà máy lớn; giảm xe cá nhân sử dụng nguyên liệu hóa thạch.
TPHCM cần triển khai các giải pháp cụ thể như có những đánh giá về tác động đến sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra; đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng; quan trắc, giám sát chất lượng không khí ngoài trời và trong nhà...
Song song đó, việc bảo vệ và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị phải được quan tâm đúng mức; kiềm chế tốc độ bê tông hóa tại đô thị, các công trình giao thông; công trình xây dựng phải được che chắn, giảm thiểu đến mức tối đa ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Trong sản xuất, cần tuân thủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, đẩy nhanh việc cải tiến phương pháp chôn lấp rác, xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến, không chỉ chạy theo lợi ích kinh tế…
Quan trọng hơn hết chính là việc kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng vì lợi ích kinh tế cũng như môi trường.
Hiện không khí tại TPHCM đã bị ô nhiễm nặng đối với các chất như CO, NOx tại một số khu vực trung tâm, vì vậy cần lập bản đồ phân vùng khí thải cho TPHCM (khu vực nào quá tải, khu vực nào chưa…), làm cơ sở cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
TS HOÀNG DƯƠNG TÙNG, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam (VCAP): Nên đầu tư các trạm quan trắc không khí tự động Hàng năm, trên thế giới có khoảng 6 triệu người chết vì ô nhiễm không khí; con số này ở Việt Nam là 115.000 người. Nếu Việt Nam nói chung và các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM không chủ động đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí ngay từ bây giờ, con người sẽ phải đối mặt với nhiều bệnh tật và tổn thất về kinh tế sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Ngoài các giải pháp về kiểm soát, hạn chế các nguồn thải và xe cá nhân, sử dụng nhiên liệu sạch…, giải pháp đầu tư cho các trạm quan trắc không khí tự động cần phải được chú trọng hơn nữa. Hiện nay chúng ta quá thiếu các trạm quan trắc tự động tại Hà Nội, TPHCM và các địa phương. Cơ chế tài chính không phù hợp, thiếu kinh phí bảo trì để đảm bảo hoạt động, nhiều trạm hỏng nhưng không có thiết bị thay thế kịp thời. Chúng ta phải biết được những khí nào, hạt nào, nguồn thải nào… xả thải vượt tiêu chuẩn tác động đến không khí, làm cho chất lượng không khí bị suy giảm thì mới tìm ra được biện pháp để ngăn chặn, xử lý. Đồng thời, người dân khi biết được các thông số này thì họ sẽ cũng có cách để bảo vệ chính bản thân mình. HÀ VĂN (ghi) |