Chú Hai Chí - Ân nhân của người nghèo

Chú Hai Chí - Ân nhân của người nghèo

Đầu những năm 1990, tỷ lệ hộ nghèo đói chiếm gần 20% tổng dân số TPHCM, người nghèo gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản. Trước tình hình đó, đồng chí Võ Trần Chí là một trong những người đầu tiên khởi xướng, mạnh dạn đưa ra một chủ trương sáng tạo nhưng không kém phần táo bạo và quyết liệt, đó là “xóa đói giảm nghèo”. Chương trình nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống và trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, không chỉ giới hạn trong phạm vi TPHCM mà ngày càng lan rộng ra cả nước.

Gần gũi với người nghèo

Những cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN) và người dân không bao giờ quên được hình ảnh đồng chí Hai Chí bình dị, cần mẫn, luôn hết lòng yêu thương và gần gũi với người nghèo.

Là cố vấn của Ban chỉ đạo XĐGN, đồng chí luôn là tấm gương sáng, dù đã lớn tuổi nhưng chưa bao giờ đồng chí vắng mặt trong những lần đi cơ sở, tìm hiểu thực tế đời sống của dân, của bà con nghèo nội và ngoại thành, đặc biệt là bà con nông dân ở xã nghèo.

Là một nhà lãnh đạo biết lắng nghe, biết chia sẻ, say mê với công việc, chú Hai làm việc cụ thể, chặt chẽ, tỉ mỉ từng hộ, từng vùng để tư vấn cho họ nuôi con gì, trồng cây gì, đào tạo nghề gì cho phù hợp từng người, từng hộ. Chú quan tâm nhất đến việc học của con em hộ nghèo để sau này có được việc làm ổn định. Bởi theo chú, đó là cách XĐGN căn cơ và bền vững nhất.

“Trong một lần đi thăm một hộ nghèo tại phường 9, quận 8 cùng chú Hai Chí, thấy một gia đình có một người con chưa có việc làm, sau khi hỏi thăm, chú Hai đề nghị nhận về giúp việc cho chú để có thu nhập phụ giúp gia đình thoát nghèo” - ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, xúc động nhớ lại.

Gần 20 năm gắn bó với chương trình XĐGN, chú Hai luôn muốn mình được xuống trực tiếp đến từng hộ nông dân, để hiểu thêm về đời sống của họ để có hướng chỉ đạo sâu sát. Chú luôn căn dặn các cấp lãnh đạo TP rằng, để giúp dân thoát nghèo thì chúng ta không chỉ mang “con cá” đến cho họ mà phải mang “cần câu” và chỉ chỗ có “cá” cho họ “câu”. Chính vì vậy, sau này khi một số hộ dân được đưa ra khỏi chương trình XĐGN, đồng chí vẫn nhắc nhở các cấp lãnh đạo phải quan tâm theo dõi và hỗ trợ kịp thời để họ không tái nghèo.

Chú Hai luôn quan tâm đến những người nghèo nhất và yêu cầu lãnh đạo TP phải có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ họ thoát nghèo. Chú cũng là người cho phép thành lập quỹ XĐGN để hỗ trợ cho người nghèo, nhưng đồng chí luôn nhắc nhở phải làm sao số tiền hỗ trợ phải hiệu quả để tạo điều kiện cho người dân vươn lên mà không ỷ lại.

Khơi dậy sức dân để chăm lo cho dân

Nhờ thấm nhuần tinh thần chỉ đạo và tâm huyết của đồng chí Hai Chí, hoạt động của chương trình XĐGN dần có những bước chuyển về “chất” và “lượng”. Chương trình không chỉ dừng lại ở việc chăm lo cái ăn cho người nghèo mà đã mở rộng một cách toàn diện trên các lĩnh vực đời sống thiết yếu của người nghèo, hộ nghèo. TP không chỉ quan tâm tập trung huy động mọi nguồn lực trợ giúp người nghèo để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho người nghèo làm ăn, phát triển kinh tế hộ, cải thiện cuộc sống mà còn thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ cải thiện nâng cao trình độ văn hóa, trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, môi trường sống và tiếp cận hưởng thụ về văn hóa, tinh thần của người nghèo. Từ gần 90.000 hộ nghèo xuống còn 2.700 hộ vào cuối năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,72% xuống 0,2%, đưa TPHCM hoàn thành mục tiêu “cơ bản không còn hộ nghèo” trước 2 năm so với thời hạn Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra…

Các cán bộ trong Ban chỉ đạo XĐGN TPHCM đều nhớ, mỗi lần dự họp chú Hai Chí không quên nhắc nhở mọi người đừng bao giờ ngủ quên trên những thành tích đạt được mà hãy tiếp tục với mục tiêu lớn hơn là giúp hộ nghèo thành hộ khá. Những thành tựu giảm nghèo đạt được trong thời gian qua cũng chỉ mới ở bước đầu. Chính vì thế, năm 2009, mở đầu giai đoạn 3 (2009 - 2015), TP quyết tâm nâng chất chương trình lên một bước đột phá mới với tên gọi mới là “Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá”, với mục tiêu không còn hộ thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm.

Bằng cái tâm của mình và sáng tạo trong cách nghĩ, mạnh dạn trong cách làm của chú Hai Chí và các cán bộ XĐGN đã giúp những người nghèo có lòng tin, ý chí, chịu khó lao động, tăng gia sản xuất và tổ chức tốt cuộc sống gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Gần đây, do sức khỏe yếu, không thể đi đến thăm các hộ nghèo nhưng chú vẫn thường xuyên hỏi thăm tình hình thực hiện và góp nhiều ý kiến thiết thực. Chú luôn nhắc nhở, để giảm nghèo hiệu quả cần phải hiểu biết sâu sắc và đầy đủ về người nghèo. Chú luôn tâm niệm, còn sức khỏe thì còn phải giúp dân, nhất là người nghèo, chỉ khi mọi người dân TP không chỉ có “cơm no áo mặc” mà phải đều được “ăn ngon mặc đẹp”, lúc đó chương trình giảm nghèo mới thật sự về đích.


MẠNH HÒA – HẢI BẰNG


Nhớ anh Hai thời cùng làm Tuyên huấn

Tin anh Hai Chí mất đã làm tôi bủn rủn, rơi nước mắt! Tôi biết anh bệnh, nhưng không ngờ anh đi sớm thế! Anh Hai ơi! Đảng và nhân dân còn rất cần anh, một cán bộ lãnh đạo gương mẫu, có cuộc sống trong sạch, khiêm tốn, giản dị và rất gần dân.

Đồng chí Võ Trần Chí (đứng giữa) tại Lễ kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành Tổ chức - xây dựng Đảng, tháng 10-2010. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Võ Trần Chí (đứng giữa) tại Lễ kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành Tổ chức - xây dựng Đảng, tháng 10-2010. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tôi biết anh hồi tháng 5-1975; tôi từ khu Tây Nam bộ được điều động về TPHCM làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Thành ủy thì anh là Thành ủy viên, Phó ban Tuyên huấn Thành ủy. Anh và tôi cùng phụ trách công tác tuyên truyền nên ở chung một nhà trên đường Điện Biên Phủ (quận 3). Ngôi nhà tuy rộng nhưng ở rất đông người, gồm cả tiểu ban tuyên truyền và 2 gia đình là vợ chồng anh và gia đình tôi gồm vợ và 3 con nhỏ.

Thuở thành phố mới giải phóng, chưa kịp phân phối nhà, mạnh ai nấy kiếm nhà để ở và làm việc. Cùng ăn, ở và làm việc cả tháng trời, 2 gia đình anh và tôi cùng anh em trở nên thân thiết và gắn bó với nhau. Sau đó, anh được phân công về làm Bí thư Quận ủy quận 5. Tôi được nâng lên làm Phó ban phụ trách tuyên truyền và sau đó làm Phó ban Thường trực Ban Tuyên huấn.

Trong thời gian làm việc, anh thường khen tôi: “Cậu làm đề cương tuyên truyền giỏi, trình bày hay, rất hấp dẫn mọi người, nhưng cậu nên nhớ là công tác tuyên truyền hay công tác tư tưởng nói chung phải sâu sát quần chúng, phải trực tiếp đối thoại với từng thành phần, từng giới quần chúng. Có lắng nghe, có đối đáp với từng giới, thậm chí từng người (trong thí điểm) thì mới hiểu họ, tâm tư nguyện vọng cùng những thắc mắc của họ để giải đáp được chính xác và thỏa đáng. Có khi những ý kiến hay, những thắc mắc chính đáng của họ còn giúp ta nghiên cứu sâu về chủ trương chính sách của Đảng để đề xuất với cấp ủy và cấp trên những ý kiến bổ sung hay sửa đổi chủ trương chính sách cho đúng với tình hình thực tiễn và yêu cầu chính đáng của quần chúng”.

Anh thường nói vui với chúng tôi: “Làm Tuyên huấn là không được tham tiền, tham chức, tham quyền. Bởi nghề của chúng ta là một nghề cao quý, là người đem tiếng nói chính nghĩa của Đảng, đem lẽ phải trên đời đến với dân. Nếu ham tiền, ham chức, ham quyền thì không thể nào làm Tuyên huấn lâu dài được, vì chúng ta đến với dân. Nói đúng thì người ta nghe, làm đúng thì người ta theo; còn nói không đúng, làm không đúng thì người ta không theo, không có quyền hành gì bắt buộc người ta được”.

Tuy ở chung với anh không lâu, gặp anh không nhiều nhưng tôi học ở anh rất nhiều về phẩm chất của người cộng sản. Chính nhờ đánh giá đúng về anh mà Thành ủy đã phân công anh từ Bí thư Quận ủy quận 5 về làm Ủy viên Thường vụ Thành ủy phụ trách Trưởng ban Tuyên huấn và sau đó là Thường trực Thành ủy, rồi được Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố và Trung ương bầu làm Bí thư Thành ủy và Ủy viên Bộ Chính trị.

Tuy đã về hưu nhưng những năm cuối đời anh đã cùng chúng tôi nghiên cứu và biên soạn Lịch sử Đảng bộ TPHCM. Anh thường nhắc nhở chúng tôi: “Viết sử là phải viết đúng sự thật lịch sử, không được cường điệu, thổi phồng quá sự việc đã diễn ra”. Những ý kiến đóng góp của anh vào lịch sử đều rất chính xác.

Anh Hai ơi! Anh đã đi xa, đi theo Bác Hồ, nhưng cuộc đời chiến đấu của anh vẫn còn đậm nét trong lịch sử Nam bộ kháng chiến, lịch sử Đảng bộ TPHCM, đặc biệt là ở thời kỳ đổi mới của đất nước.

Xin kính cẩn tiễn biệt anh! Một người cộng sản xứng đáng của thành phố anh hùng, của Nam bộ thành đồng Tổ quốc!


PHẠM QUANG

Tin cùng chuyên mục