Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái về giải pháp để Đồng Nai trở thành địa phương thu hút đầu tư hiệu quả của cả nước.
* PHÓNG VIÊN: Từ thực tiễn khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 và thành công bước đầu của KCN Biên Hòa 2, tỉnh đã đẩy nhanh việc quy hoạch và đầu tư phát triển các KCN trên địa bàn như thế nào, thưa đồng chí?
- Đồng chí ĐINH QUỐC THÁI: KCN đầu tiên thành lập sau giải phóng tại Đồng Nai là KCN Biên Hòa 2 do Công ty Phát triển khu công nghiệp Biên Hòa (Sonadezi) làm chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng. Đây là KCN hình thành sớm nhất, trước khi Nhà nước ban hành khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và phát triển KCN. Đến nay Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép quy hoạch 34 KCN và 3 khu chuyên ngành với tổng diện tích khoảng 12.055ha, trong đó 32 KCN đã được thành lập với tổng diện tích 10.242,59ha; 2 KCN đang trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hồi đất. Lũy kế đến nay diện tích đất đã cho thuê được 4.985,43ha, đạt tỷ lệ 71,77%. Các KCN được xây dựng là nhân tố tác động tích cực đến thu hút lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đô thị hóa, là tác nhân quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa tại địa phương.
Cầu An Hảo, một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Đồng Nai được khánh thành và đưa vào sử dụng dịp 30-4-2017
* Để thu hút đầu tư hiệu quả, “cạnh tranh” với các tỉnh, thành năng động khác của cả nước, tỉnh có giải pháp đột phá nào, thưa đồng chí?
- Tỉnh sẽ tập trung các giải pháp như rà soát bổ sung, điều chỉnh các KCN cho phù hợp tình hình thực tế, chuẩn bị cho sự phát triển sau khi có Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng và ngoài KCN; thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và có giá trị gia tăng cao; đẩy nhanh việc chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị thương mại dịch vụ. Tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, cải thiện mạnh mẽ Chỉ số cạnh tranh của Đồng Nai; giải quyết kịp thời các vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để xử lý chất thải trong KCN, từ hệ thống xử lý nước thải tập trung, thu gom và xử lý chất thải rắn và các loại chất thải khác; hệ thống hạ tầng môi trường ngoài KCN. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải để xử lý và bảo vệ môi trường, lấy công nghệ sản xuất sạch làm tiêu chuẩn, thay vì tiêu chí xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.
* Đồng Nai là tỉnh có tiềm năng về du lịch, tỉnh cần làm gì để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW?
- Để phát triển bền vững và du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng như Kế hoạch 118-KH/TU ngày 7-7-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ. Đây là một trong những giải pháp đột phá mà Đại hội Đảng tỉnh Đồng Nai lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã thông qua, trong đó tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, bến bãi, kết nối các điểm đến du lịch. Đây cũng là một trong những nhân tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực du lịch. Tăng cường mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực đầu tư phát triển các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí tại các địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch và lợi thế riêng của Đồng Nai (du lịch sinh thái và du lịch đường sông). Chú trọng quảng bá, xúc tiến du lịch với nhiều hình thức tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, từng bước nâng cao chất lượng nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Chủ động triển khai và mở rộng liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ trong xây dựng sản phẩm đặc trưng của tỉnh hoặc vùng Đông Nam bộ.
* Xin đồng chí cho biết định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững của tỉnh thời gian tới?
- Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc, khuyến khích phát triển các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, bảo vệ môi trường, các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, hạ tầng và dịch vụ; tăng cường tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các tổng công ty nhà nước. Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trong đó có rà soát quy hoạch diện tích 21.000ha khu vực xung quanh Sân bay quốc tế Long Thành để thu hút đầu tư có hiệu quả. Đẩy mạnh thực hiện các dự án sử dụng vốn xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), bảo đảm tính công khai, minh bạch. Tập trung đầu tư các tuyến giao thông kết nối quan trọng, đồng bộ giữa mạng lưới đường quốc lộ, đường cao tốc, đường tỉnh với đường huyện, đường xã thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh.
Đồng thời chú trọng đầu tư hạ tầng xã hội để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách tạo việc làm mới và giải quyết việc làm, nâng cao mức sống người dân, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội.