Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: “Giải ngân đầu tư công, trên hết phải điều chỉnh tinh thần trách nhiệm”

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị các đại biểu thảo luận những việc cần điều chỉnh để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, song cũng khẳng định, trên hết phải điều chỉnh tinh thần trách nhiệm, tập trung thực hiện mới đạt được.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
c5ef7d7a8e9d25c37c8c-6451.jpg
Quang cảnh hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch đầu tư công, sáng 13-1. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sáng 13-1, UBND TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dự hội nghị.

Quý 1 phải giải ngân 12-15%

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, công tác giải ngân vốn đầu tư công được TPHCM xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2023. Số vốn giao trong năm rất lớn, hơn 68.000 tỷ đồng, bằng khoảng 1/10 tổng vốn đầu tư công của cả nước. Đến ngày 12-01-2024 toàn Thành phố đã giải ngân 45.866 tỷ đồng, đạt 67%. Tuy tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu đề ra nhưng đây là kết quả đáng ghi nhận, cao hơn 1,7 lần kết quả đạt được trong năm 2022.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, để đạt được kết quả nêu trên, nhiều đơn vị đã rất nỗ lực, đặc biệt là khối quận huyện, TP Thủ Đức với 21 đơn vị giải ngân trên 90%, trong đó 16 địa phương trên 95%. Khối sở ngành có 20 đơn vị giải ngân trên 95%, 12 đơn vị giải ngân 80-95%. Bên cạnh đó, vẫn còn khá nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, còn nhiều hạn chế trong tổ chức thực hiện đầu tư công.

47e9378bc76c6c32357d-7430.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tại hội nghị này, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về nhiều vấn đề. Trong đó có nội dung thủ tục đầu tư cần điều chỉnh thay đổi gì để rút ngắn thời gian.

Cụ thể, thực tế trong năm 2022, 2023, có nhiều dự án được giao nhiệm vụ chuẩn bị chủ trương đầu tư tại Quyết định 3236 ngày 26-9-2022, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án đầu tư. Các thủ tục, hồ sơ dự án mất rất nhiều thời gian, cần thảo luận điều chỉnh. “Nhưng trên hết phải điều chỉnh tinh thần trách nhiệm, tập trung thực hiện mới đạt được”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó là tính chặt chẽ, đồng bộ trong triển khai dự án. Bởi qua rà soát có nhiều dự án dự kiến triển khai trong năm nhưng lại không đưa vào danh mục dự án có thu hồi đất trình HĐND TPHCM, như dự án bờ Bắc Kênh Đôi, muốn làm nhanh thủ tục để khởi công trước 30-4-2025 nhưng trong danh mục trình HĐND không có. Đồng chí yêu cầu mổ xẻ vấn đề này, tránh lặp lại trong năm 2024.

fe5f76d485332e6d7722-4400.jpg
Thường trực UBND TPHCM chủ trì hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một số vấn đề khác được Chủ tịch UBND TPHCM “đặt hàng” thảo luận, là khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thẩm định, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường; khó khăn trong xác định giá đất bồi thường tiệm cận giá thị trường để đạt được sự đồng thuận cao của người dân, đặc biệt là giá đất nông nghiệp xen cài. Bên cạnh đó là vướng mắc trong di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật; việc chuẩn bị quỹ nhà đất tái định cư; xử lý trách nhiệm nhà thầu yếu kém năng lực, chậm, chây ì, vi phạm hợp đồng…

Theo thống kê của Sở KH-ĐT về giải ngân quý 1 của 3 năm qua, năm 2021 có tỷ lệ cao nhất (12%), năm 2022 rất thấp và năm 2023 còn thấp hơn, cả quý 1 chỉ giải ngân được 1.600 trong tổng số hơn 68.000 tỷ đồng.

“Chúng ta phải quyết tâm năm 2024, trong quý 1 phải giải ngân đạt ít nhất bằng quý 1 năm 2021, tức khoảng 12-15%”,

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi

60 ngày thi đua, giải ngân "thần tốc"

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, năm 2023, tổng số vốn đầu tư công được UBND TPHCM giao và điều chỉnh, bổ sung là 68.634 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu mức vốn đầu tư công năm 2023 được Chính phủ giao. Số vốn này cao gấp 1,8 lần năm 2022. Dự kiến giải ngân cuối năm của TPHCM có thể đạt 49.400 tỷ đồng.

7d9ffd140ef3a5adfce2-3531.jpg
Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sở KH-ĐT đánh giá kết quả này tương đối tích cực so với năm 2022, thể hiện rõ sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền TPHCM. Nếu như năm 2022, TP giải ngân được hơn 26.200 tỷ đồng, thì năm 2023 dự kiến cao hơn 21.852 tỷ đồng.

Thực hiện 60 ngày đêm thi đua giải ngân vốn đầu tư công, từ con số giải ngân 25.108 tỷ đồng (36,6%) ở thời điểm cuối tháng 10, đến ngày 31-12 số vốn giải ngân đã đạt 43.490 tỷ đồng (63%). Trong tháng 11, UBND TPHCM đã chỉ đạo hoàn tất xử lý 132 nội dung khó khăn vướng mắc của 92 dự án. Chỉ riêng việc này đã giúp TPHCM giải ngân thêm được 7.997 tỷ đồng.

Năm 2024, TPHCM được Thủ tướng Chính phủ giao tổng vốn đầu tư 79.263 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn ngân sách địa phương là 75.577 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương là 3.686 tỷ đồng. Sở KH-ĐT đã làm việc cụ thể với các đơn vị để xác định số vốn dự kiến giải ngân năm 2024 của từng cơ quan đơn vị.

Sở KH-ĐT đã triển khai các đơn vị hoàn tất lập kế hoạch giải ngân với số liệu chi tiết từng dự án theo từng tháng. Bắt đầu từ cuối tháng 1-2024, các tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đầu tư công sẽ tập trung rà soát tiến độ thực hiện các dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho giải ngân vốn ngay từ đầu năm.

Riêng về giải ngân vốn bồi thường, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, năm 2023, tổng số vốn bồi thường của TPHCM là 27.956 tỷ đồng của 224 dự án, trong đó có 50 dự án với 5.500 tỷ đồng chuyển tiếp từ năm 2022 và 174 dự án với 22.400 tỷ đồng được giao mới năm 2023. Hiện số vốn giải ngân đã ra khỏi Kho bạc Nhà nước là hơn 27.100 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 97,25%. Tuy nhiên, do còn một số thủ tục mà số tiền thực chi đến người dân là hơn 18.100 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 66,94%.

2d2d7d748d9326cd7f82-1878.jpg
Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một số địa phương giải ngân vốn bồi thường cao, là quận 8 với hơn 798 tỷ đồng đã đến tay người dân (đạt 81,18%); quận Bình Tân đã chi hơn 2.300 tỷ đồng cho người dân, đạt 87,09%. Củ Chi đã chi hơn 2.100 tỷ đồng, đạt 91,23%. TP Thủ Đức đã chi hơn 5.000 tỷ đồng đến tay người dân, nhưng tỷ lệ mới đạt 53,73%.

Sở TN-MT đánh giá tỷ lệ giải ngân 66,94% tuy chưa đạt yêu cầu đề ra nhưng so với năm 2022, số vốn bồi thường cao gấp 2,18 lần, số tiền thực chi cao gấp 2,41 lần.

Tin cùng chuyên mục