Chưa chăm cây đã mong xuất quả

Nhiều năm trước, tình trạng thịt heo rớt giá đã từng xảy ra nhưng chưa khi nào kéo dài và giảm sâu như hiện nay.

Hồi cuối năm 2016, mức giá thấp nhất là 30.000 đồng/kg heo hơi và đã được coi là mức kỷ lục trong vòng 10 năm lại đây (tính trung bình nuôi mỗi con heo lỗ 1 triệu đồng). Nhưng từ sau Tết Nguyên đán tới nay, giá heo tiếp tục tụt dốc sâu hơn, hiện chỉ còn 20.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bà con nông dân đang phải ngậm ngùi bán heo hơi với giá 18.000 đồng/kg.

Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường mới vừa chủ trì cuộc họp khẩn với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế biến và tiêu thụ thực phẩm, kêu gọi doanh nghiệp tăng cường mua thịt heo chế biến cấp đông, dự trữ đồng thời giảm giá bán thức ăn và các vật tư đầu vào. Rất nhiều giải pháp tình thế đã được đưa ra để “giải cứu” cho người nông dân và các chủ trại trong bối cảnh khó khăn hiện tại. Tuy nhiên câu chuyện đặt ra từ vụ thịt heo giá rẻ như bèo hiện nay là Nhà nước, cơ quan chức năng đã làm gì để quy hoạch ngành chăn nuôi cũng như chế biến, tiêu thụ thực phẩm… một cách quy củ, đồng bộ, đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững. Liệu các cơ quan chức năng có lường trước được “kịch bản” như hiện nay để lo xa, đi tắt đón đầu hay không?

Nhiều năm nay, ngành chăn nuôi ở Việt Nam vẫn cơ bản chỉ là chăn nuôi heo, bò, gà, vịt… Mặc dù trong năm 2016, sản phẩm chăn nuôi là một trong những đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp trong đà suy giảm liên tục, nhưng trên các mạng xã hội, qua vụ thịt heo rớt giá thảm hại, dư luận tỏ ra lo lắng cho rằng nhiều năm qua, ngành chăn nuôi của Việt Nam chỉ “xây lâu đài trên cát” khi quá trông đợi vào một thị trường xuất khẩu có nhiều rủi ro. Chúng ta không chỉ thiếu đầu tư về vốn, khoa học công nghệ cho nông nghiệp mà cả chính sách thị trường, đầu ra cho nông sản cũng mắc sai lầm, không được quan tâm đúng mức. Ðành rằng hướng tới xuất khẩu là chính sách đúng để tăng trưởng, nâng cao giá trị cho ngành chăn nuôi, tạo nhu nhập cao cho người nông dân, nhưng việc quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu đồng nghĩa với việc sản phẩm làm ra sẽ “được mùa mất giá”, chất đống trong kho, chuồng trại… khi thị trường đóng cửa. 

Song, làm cách nào để chiếm lĩnh nhiều thị trường xuất khẩu, giảm bớt phụ thuộc vào một thị trường nhiều rủi ro lại là vấn đề nan giải. Theo Bộ NN-PTNT, mặc dù hiện nhu cầu thịt heo ở nhiều nước rất cao nhưng quy trình chăn nuôi, chế biến và giám sát chất lượng ở Việt Nam lại không đảm bảo nên không thể xâm nhập vào các thị trường đòi hỏi cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Nhiều năm nay, thịt heo của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch (có thể coi như nhập lậu) và không được phía Trung Quốc chính thức thừa nhận. Tính đến thời điểm hiện tại, giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa có bất cứ ký kết chính thức nào về xuất nhập khẩu hàng hóa là động vật hoặc có nguồn gốc động vật. Vì vậy, mục tiêu đặt ra là phải xúc tiến đàm phán để đưa thịt heo cũng như nhiều sản phẩm chăn nuôi khác được công nhận xuất nhập khẩu qua chính ngạch, không chỉ đối với thị trường Trung Quốc mà cả với các thị trường khó tính khác ở châu Á, châu Âu. Ðể đạt được điều này thì ngành chăn nuôi Việt Nam phải đạt được các tiêu chuẩn cơ bản về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, nói không với “chất cấm”, sử dụng công nghệ giết mổ, chế biến hiện đại...

Còn rất nhiều việc phải làm để hiện đại hóa ngành chăn nuôi trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy chính sách đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Chúng ta đang tích cực triển khai chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng nhiều chuyên gia đề nghị không nên đầu tư dàn trải, làm theo phong trào mà nên chọn những sản phẩm, lĩnh vực có giá trị xuất khẩu cao như trái cây, thủy sản và chăn nuôi để tập trung vốn liếng, khoa học công nghệ. Mặc dù vẫn xác định mục tiêu trọng tâm là xuất khẩu, nhưng theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, đối với ngành chăn nuôi hiện nay, phải xem xét lại quy mô, không thể thả sức phát triển một cách tự phát với mô hình 3 triệu nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, lúc được giá cao thì ồ ạt đầu tư, lúc khó khăn lại dư thừa; mà phải đưa doanh nghiệp vào, phát triển chăn nuôi theo chuỗi khép kín theo tiêu chuẩn. Nhiều chuyên gia cũng đề nghị nên siết lại điều kiện môi trường khi chăn nuôi heo và quy hoạch lại số lượng ở mức hợp lý. Ðặc biệt cơ quan chức năng phải thể hiện rõ vai trò định hướng, giám sát. Như hiện nay là buông lỏng kiểm soát, nông dân và các chủ trại ồ ạt đầu tư, tăng đàn mà cơ quan quản lý lại không điều tiết được, dẫn đến hậu quả như hiện tại.

Tin cùng chuyên mục