Tại buổi tọa đàm trực tuyến về nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật chủ trì ngày 24-10, những phản ánh từ khách hàng, những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức khai thác dịch vụ đã được đại diện các cảng vụ, các đơn vị quản lý cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng chia sẻ.
Tại buổi tọa đàm, nhiều hành khách đã phản ánh về chất lượng dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không hiện nay, trong đó, có ý kiến phàn nàn về việc có cảm giác các hãng hàng không ra sức bán vé vào giờ cao điểm rồi lại dồn khách sang giờ khác, nửa đêm vẫn chưa giải phóng hết nên khách phải vạ vật tại nhà ga. Lại có ý kiến bức xúc về việc mua vé giờ vàng lúc nào cũng còn nhưng ra đến sân bay lại trễ chuyến, đến đêm mới được bay, mặc dù mua vé của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines nhưng có chuyến vẫn phải chờ 5 giờ mới lên được máy bay, sau đó lại được phát cái bánh, chai nước rồi ngồi chờ tiếp. Lại có lần do mua vé giá rẻ nên khi bị tắc đường, tới sân bay muộn 20 phút thì không được bay và mất luôn vé…
Theo ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất, những phàn nàn của hành khách đều xuất phát từ hạ tầng của cảng hàng không này đang ngày càng trở nên quả tải, từ bến đậu máy bay đến đường lăn, nhà ga... Hiện cảng chỉ có 41 bến đậu cho các loại máy bay, trong khi mỗi ngày có trên 500 chuyến. Việc mở rộng sân đỗ ở khu vực quân đội giao 7,63ha đang triển khai nhưng phải kết thúc quý 1-2016 mới hoàn thành và cũng chỉ nâng lên được 46 bến đỗ, đáp ứng 65% nhu cầu. Mỗi đêm, CHKQT Tân Sơn Nhất có từ 48-55 máy bay của các hãng đậu qua đêm, vì vậy, phải đưa máy bay về các đường lăn không khai thác, các hangar... để đậu chờ, điều này ảnh hưởng đến khai thác. Về ùn tắc trước cửa ga, ông Đặng Tuấn Tú lý giải, do nhà ga nội địa được cải tạo trên công trình cũ, cao chỉ một tầng rưỡi chứ không được hai tầng như các nhà ga mới xây nên đã tạo ra sự giao cắt gây ùn ứ trước nhà ga quốc nội. Bên cạnh đó, trung bình mỗi ngày trên 70 ngàn khách ra vào sân bay, người đưa tiễn gấp đôi, lại chỉ có hai cửa ngõ là Bạch Đằng và Trường Sơn đi ra ngoài nên việc ùn tắc là khó tránh khỏi. Với hiện trạng bất cập về hạ tầng như vậy, ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, cho rằng, việc chậm, hủy chuyến đến giờ chỉ có thể cố gắng để giảm tối đa chứ rất khó chấm dứt, chỉ giảm thiểu chậm, hủy chuyến do chủ quan. Ví dụ trong ngày 23-10, có 50/74 chuyến cất cánh chậm ở sân bay Tân Sơn Nhất do trời mưa rất lớn, nhiều khách bị tắc đường không tới được sân bay đúng giờ.
Về chất lượng dịch vụ phi hàng không, nhiều ý kiến cũng phản ánh về dịch vụ nhà hàng, thái độ phục vụ khách hàng, vệ sinh môi trường, các dịch vụ thông tin, hệ thống wifi… làm chưa tốt. Bà Đoàn Thị Mai Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sassco, một trong hơn 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phi hàng không cho các hãng hàng không và hành khách tại CHKQT Tân Sơn Nhất cho biết, đã triển khai 15 điểm ăn uống trên tầng 3, các biển chỉ dẫn cho khách đến khu vực này cũng được triển khai theo các tiêu chuẩn quốc tế, tuy nhiên có thể do hạn chế mặt bằng nên nhiều hành khách vẫn phàn nàn khó tìm được lối lên khu vực này.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, việc mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất là không thể do không có quỹ đất, tuy nhiên, các dịch vụ, lĩnh vực phi hàng không phải nghiêm túc đánh giá là chưa tốt. Việc này hoàn toàn có thể cố gắng được nhưng do chúng ta chưa cố gắng hết sức, vì thế cần có sự phấn đấu tiếp để nâng cao chất lượng dịch vụ trong thời gian tới.
BÍCH QUYÊN