Chưa có phương án thật sự thuyết phục về rút bảo hiểm 1 lần

Cả hai phương án về rút bảo hiểm xã hội 1 lần do Chính phủ trình vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao.
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 2-11, Quốc hội nghe Bộ trưởng LĐTB-XH Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, bao gồm các phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Theo đó, Chính phủ trình 2 phương án.

Phương án 1 quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần đối với 2 nhóm người lao động khác nhau.

Nhóm 1 là người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1-7-2025), sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội 1 lần.

Nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội 1 lần thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung như chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng…

Quang cảnh hội trường Diên Hồng. Ảnh: QUANG PHÚC

Quang cảnh hội trường Diên Hồng. Ảnh: QUANG PHÚC

Nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia vào bảo hiểm xã hội từ khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực sẽ không được nhận bảo hiểm xã hội 1 lần. Chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như quy định hiện hành.

Phương án 2, đơn giản hơn, chỉ giải quyết 1 phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Đại diện cho cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, vấn đề này còn nhiều loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất lựa chọn phương án 1 vì phương án này có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động khi bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội 1 lần.

Cạnh đó, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất cao (68,5%), tích lũy từ tiền lương và thu nhập của người lao động còn thấp, việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần có thể là nguồn tài chính hữu ích để người lao động duy trì, bảo đảm được phần nào cuộc sống trước mắt.

Phương án 1 cũng không gây xáo trộn, ảnh hưởng tới những người có thời gian bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước khi luật này có hiệu lực thi hành. Ngược lại, loại ý kiến này cho rằng, phương án 2 vẫn còn những cách hiểu khác nhau, chưa rõ việc giải quyết một phần thời gian đóng là khoảng thời gian nào trong cả quá trình đóng bảo hiểm xã hội, chưa kể có nhiều trường hợp đóng gián đoạn, không liên tục…

Tuy nhiên, thực hiện phương án này sẽ phát sinh tình huống khi người lao động quay trở lại tham gia bảo hiểm xã hội thì việc cộng nối thời gian sẽ được tính như thế nào?

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Loại ý kiến khác ủng hộ phương án 2 vì cho rằng, phương án này giúp người lao động có thêm chi phí để giải quyết những khó khăn trước mắt, đồng thời cũng vẫn còn những yếu tố động lực để giữ người lao động ở lại hệ thống lâu hơn, tăng thêm khả năng được thụ hưởng các quyền lợi của bảo hiểm xã hội.

Phương án này cũng đảm bảo Quỹ Bảo hiểm xã hội luôn được duy trì ở trạng thái an toàn cao hơn so với phương án 1 trong các trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đồng loạt rút bảo hiểm xã hội 1 lần, như tình trạng đã từng xảy ra trong đại dịch Covid-19.

Loại ý kiến thứ 3 chưa đồng ý với cả hai phương án Chính phủ trình; đề nghị không nên thiết kế thành 2 phương án để lựa chọn 1 phương án mà chỉ nên có 1 phương án nhưng thiết kế thành nhiều phương thức khác nhau để người lao động lựa chọn.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, cơ quan thẩm tra kiến nghị Chính phủ tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến công chúng, đối tượng chịu tác động trực tiếp vấn đề này.

“Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đề xuất rõ hơn chính sách về bảo hiểm xã hội 1 lần, đồng thời, cần có quy phạm tương ứng cho từng phương án để làm căn cứ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của bảo hiểm xã hội”, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung điều khoản chuyển tiếp hợp lý cho các trường hợp này để tránh một số bất hợp lý.

Chẳng hạn, tại điều 64 của dự luật, một trong các điều kiện để hưởng chế độ hưu trí là đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên. Tuy nhiên, tại điểm đ, khoản 1, điều 70 của dự thảo khi đưa ra 2 phương án về hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần đều đang quy định điều kiện người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội “chưa đủ 20 năm”.

Điều này có thể dẫn tới trường hợp người đã đủ tuổi nghỉ hưu, đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần hoặc hưởng chế độ hưu trí.

Tin cùng chuyên mục