Cuối chiều 20-4, trao đổi với PV Báo SGGP về việc triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng xung quanh việc truy tìm nguyên nhân, đánh giá thiệt hại và tìm giải pháp khắc phục sự cố dầu trôi trên biển, Thứ trưởng Thường trực Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên cho biết:
Hiện nay, ô nhiễm môi trường do dầu đã ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, thành phố ven biển nước ta. Trước tình hình đó, Bộ TN-MT đã chủ động phối hợp với Ủy ban Tìm kiếm Cứu nạn, các bộ, ngành và địa phương có liên quan thu gom, xử lý ô nhiễm do dầu; điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm, các thiệt hại về kinh tế, môi trường; tổ chức lấy mẫu, phân tích dầu ô nhiễm. Bộ cũng đã báo cáo kịp thời để xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường do dầu lần này đã xảy ra trên một vùng biển rất rộng ở nước ta với mức độ và tính chất hết sức phức tạp. Vì vậy, Bộ TN-MT đang tiếp tục phối hợp, theo dõi và có các biện pháp tích cực nhằm tìm ra nguyên nhân, đánh giá thiệt hại, khắc phục ô nhiễm do dầu.
Mới đây nhất, ngày 19-4, bộ đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan có liên quan về vấn đề này. Nhưng cần phải nói ngay rằng Việt Nam chưa có kinh nghiệm nào về việc truy tìm nguyên nhân ô nhiễm môi trường do dầu gây ra, nên đây là một bài toán khó. Phân tích các chỉ tiêu hóa, lý, sinh của mẫu dầu trôi chỉ là một việc. Còn phải đối chiếu với các mẫu dầu thô đang khai thác trên vùng biển Việt Nam và lân cận; xây dựng mô hình dòng chảy với nhiều kịch bản khác nhau để xem dầu trôi từ hướng nào, thu thập thông tin từ ngư dân, từ lực lượng quân đội và chọn mua ảnh vệ tinh ở những khu vực cần thiết nhất để phân tích (cũng không thể mua tràn lan vì sẽ không đủ kinh phí!)…
Hiện nay chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ cho phép mời một nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực này giúp ta. Tôi chưa thể nói chính xác được thời hạn có thể đưa ra kết luận. Sắp tới, vào ngày 28-4, chúng tôi cũng sẽ tổ chức một hội thảo khoa học “Phát hiện và xử lý sự cố môi trường do tràn dầu trên vùng biển Việt Nam” tại TPHCM.
- PV: Còn việc đánh giá thiệt hại thì sao?
Ông PHẠM KHÔI NGUYÊN: Có lẽ đây là việc có thể xong sớm hơn, chúng tôi đang tập trung làm sớm khi tập hợp đủ số liệu từ các địa phương về lượng dầu thu gom được, nhân công, chi phí đốt dầu, số khách du lịch suy giảm cũng như lượng thủy sản ước tính bị thiệt hại… Nhưng cũng phải nói rằng những ảnh hưởng sâu xa và thiệt hại của sự cố này đến hệ thủy sinh trong vùng biển và ven biển nước ta chưa thể đánh giá ngay.
- Có thể đưa ra được dự báo về các sự cố sắp tới không, thưa ông?
Việc xảy ra các sự cố môi trường do dầu tràn, theo tôi, trong thời gian tới sẽ xảy ra với tần suất cao hơn và sẽ diễn biến ngày càng phức tạp. Vấn đề là cần phải xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để phát hiện và xử lý kịp thời sự cố, hạn chế những thiệt hại về kinh tế và môi trường.
- Ngay cả khi đã thu gom rồi thì việc xử lý dầu cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường…
Đúng. Vì thế chúng tôi luôn nhắc nhở các địa phương phải sử dụng các công nghệ phù hợp để tiêu hủy số dầu đã thu gom được.
Anh Thư thực hiện
Tiếp tục xuất hiện dầu tràn ở đảo Bạch Long Vĩ Từ đầu tháng 4 đến nay, hiện tượng dầu tràn vào khu vực bờ biển phía Đông-Nam của đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) luôn xuất hiện với mức độ mỗi ngày một tăng, vết dầu loang có chiều dài khoảng 1,5 km quanh đảo; nhiều chỗ váng dầu kết thành từng đám rộng vài m2 với độ dày khoảng 5 cm. Do váng dầu bám dày trên các bãi đá, bãi cát nên việc thu gom gặp nhiều khó khăn. Chính quyền huyện đảo cùng trung đoàn 952 (Vùng 1 Hải quân) và các lực lượng trên đảo đã phối hợp tổ chức 2 lần thu gom, mỗi lần thu được hơn 300 bao tải (ước khoảng 15 tấn). |